Chị Nguyễn Mai Liên, ở Mỹ Đình cho biết: trong những năm gần đây, thay vì mua sắm các mặt hàng ngoại nhập, gia đình chị luôn lựa chọn các mặt hàng trong nước sản xuất. Theo chị Liên, gia đình chị có sự chuyển biến này cũng một phần qua các phương tiện truyền thông thường xuyên tuyên truyền về Cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt. Quan trọng hơn là chất lượng của nhiều hàng hóa trong nước luôn được cải tiến, nhiều sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của người dân.

hangviet_peud.jpgNgày càng nghiều người tiêu dùng thủ đô lựa chọn các mặt hàng trong nước sản xuất

Chị Nguyễn Mai Liên chia sẻ: “Tôi thấy chất lượng hàng Việt Nam rất tốt, vì vậy tin dùng nhiều sản phẩm hàng Việt Nam. Ở cơ quan hay cùng các đồng nghiệp mua nhiều sản phẩm chủ yếu như: quần áo, thực phẩm, hàng tiêu dùng. Ủng hộ chương trình này cũng góp phần đưa kinh tế đất nước phát triển”.

Đối với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, các doanh nghiệp luôn lấy chất lượng sản phẩm là mục tiêu hàng hàng đầu, chú trọng phát triển thị trường nội địa, đa dạng hóa các mặt hàng sản xuất. Theo đó đẩy mạnh, phát triển nhiều sản phẩm mới với giá thành cạnh tranh.

Ông Trần Trường Sơn, Trưởng phòng xuất nhập khẩu, Công ty bánh kẹo Tràng An cho biết: Công ty luôn đầu tư mạnh mua sắm thiết bị máy móc hiện đại trong sản xuất, áp dụng khoa học trong quản lý. Hiện nay, sản phẩm chủ yếu của Tràng An là bình dân và đang tiến lên cho ra đời để chiếm lĩnh phân khúc trung cấp và cao cấp hơn. Trong thời gian tới, công ty sẽ đưa ra các sản phẩm mới và triển khai hệ thống bán lẻ sâu hơn nữa, rộng hơn nữa đến vùng sâu vùng xa”.

Trong 5 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu trong việc tổ chức triển khai thực hiện, với rất nhiều nội dung thiết thực. Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: UBND thành phố đã ban hành nhiều cơ chế chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển. Thành phố cũng đẩy mạnh các hoạt động giúp doanh nghiệp tham vào các chương trình xúc tiến thương mại hàng năm, tổ chức các hội chợ triển lãm hàng Việt Nam, tháng khuyến mại…”.

Thống kê mới đây cho thấy: tỷ lệ người tiêu dùng sẵn sàng lựa chọn hàng Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực, từ 28% năm 2011, đến năm 2013 tăng lên 47%. Tại các hệ thống siêu thị tại Hà Nội như: Big C, Saigon Co.op Mart, Vinatex Mart… hàng Việt Nam chiếm 90% thậm chí 100%. Còn tại các hệ thống bán hàng bình ổn giá, có đến 90% là hàng sản xuất trong nước.

Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Thành phố, công tác tuyên truyền thời gian qua được triển khai sâu rộng, tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề và tọa đàm tuyên truyền về hàng Việt cho doanh nghiệp và người dân… nhằm nâng cao nhận thức người tiêu dùng thủ đô. Ngoài ra, Hà Nội cũng đẩy mạnh phát triển, hiện đại hóa hạ tầng thương mại, đặc biệt là khu vực ngoại thành. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 420 chợ, 28 trung tâm thương mại và 162 siêu thị…phục vụ tốt hơn nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân.

Ông Đào Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động cho biết: Ban chỉ đạo tiếp tục rà soát hướng dẫn các chương trình kế hoạch để tuyên truyền về cuộc vận động đến các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và đơn vị. Các doanh nghiệp cần hưởng ứng Cuộc vận động đổi mới công nghệ sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm mẫu mã, hợp thị hiếu, giảm giá thành và thân thiện với môi trường để giữ uy tín với người tiêu dùng./