Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2017 Việt Nam đã chi gần 1,8 tỉ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, tăng 17,27% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp FDI vẫn đang áp đảo thị trường
Nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu gồm các loại: lúa mì, ngô, đậu tương và dầu mỡ động thực vật.
(Nguồn: VITC) |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2016 Việt Nam nhập khẩu 3,39 tỉ USD thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu. Năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu 8,3 triệu tấn ngô (1,65 tỉ USD), 1,56 triệu tấn đậu nành (ép dầu, bã dùng cho chăn nuôi).
Nghiên cứu của Công ty Cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC) chỉ ra rằng, tại Việt Nam, tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã diễn ra từ lâu và phải nhập khẩu số lượng lớn thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, thức ăn chăn nuôi chiếm tới 60% chi phí sản xuất và giá thành.
VIRAC cũng đánh giá, tính đến nay, số lượng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước cũng hạn chế, năng lực tự sản xuất còn khiêm tốn, Việt Nam vẫn bị các doanh nghiệp nước ngoài thao túng do không làm chủ được công nghệ sản xuất. Dù sở hữu ít nhà máy hơn nhưng doanh nghiệp FDI chiếm đến 60-65% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất ra, khối tư nhân nhà nước chỉ chiếm khoảng 35-40% trong tổng sản lượng.
Đặc biệt là, "dù đã chiếm tới 60% thị phần nhưng các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, trong khi doanh nghiệp Việt ngày càng co hẹp."- VIRAC nhận định.
VIRAC còn dẫn đánh giá của Bộ Công Thương cho biết, so với các nước trong khu vực, giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn cao hơn khoảng 15 đến 20%, dẫn đến các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam khó cạnh tranh.
Các nguyên nhân dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi trong nước luôn cao gồm việc ngành thức ăn chăn nuôi nội địa phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyền liệu nhập khẩu dẫn đến rủi ro lớn về biến động giá và tỷ giá, cộng với tỷ lệ chiết khấu hoa hồng cao của các doanh nghiệp FDI cho đại lý đẩy giá thức ăn chăn nuôi gia tăng, hơn nữa, với việc nắm chi phối thị phần thức ăn chăn nuôi giúp các doanh nghiệp ngoại dễ dàng định giá và tăng giá thức ăn chăn nuôi hơn.
Thị trường màu mỡ
Những năm gần đây, nhu cầu thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn đạt mức tăng khoảng 10%/năm. Theo báo cáo của Grand View Research, quy mô thị trường sẽ đạt 10,55 tỷ USD vào năm 2022. Có thể nói con số quy mô thị trường này không hề nhỏ, thậm chí là màu mỡ.
Giới chuyên gia đã nhiều năm khuyến nghị Việt Nam cần có quy hoạch, kế hoạch cụ thể và phát triển cây trồng nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, đến nay ngành chăn nuôi của Việt Nam hiện vẫn đang phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu thức ăn, đặc biệt là nguyên liệu giàu đạm thực vật như: Khô dầu đậu tương, khô đậu, lạc, vừng, ngô.
Ngay như thống kê 6 tháng đầu năm nay cũng cho thấy, riêng giá trị nhập khẩu ngô, đậu tương cũng chiếm tới 1,13 tỷ USD (chiếm gần 63% tổng giá trị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu).
Nhiều năm nay, quỹ đất được thiên dành phân bổ cho trồng lúa gạo, cao su, cà phê, cây ăn quả… nhưng chưa chú trọng cho trồng cây thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hơn nữa, trên những diện tích canh tác cây nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam thì cũng do sản xuất manh mún, thủ công nên năng suất thấp, giá thành cao, chất lượng không ổn định nên chưa có khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Vì vậy, doanh nghiệp chế biến và kinh doanh thức ăn chăn nuôi vẫn chủ yếu nhập nguyên liệu từ nước ngoài với giá cạnh tranh hơn nguồn hàng trong nước. Trong khi đó, mấy năm gần đây, tăng trưởng của ngành thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam được đánh giá phát triển rất tốt, với mức tăng 13 - 15%/năm, doanh số hằng năm đạt tới khoảng 6 tỷ USD. Nhưng đáng tiếc là sự tăng trưởng này chủ yếu khối doanh nghiệp FDI hưởng lợi, do họ đang chiếm thị phần áp đảo.
Đáng chú ý là trong số các thị trường Việt Nam có kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng mạnh thì Italia chỉ với hơn 45 triệu USD nhưng tăng tới 952,87% so với cùng kỳ năm 2016; với thị trường Canada cũng đạt hơn 27 triệu USD, tăng 308,41% so với cùng kỳ. Chứng tỏ, thị trường tiêu thụ thức ăn chăn nuôi của Việt Nam ngày càng thu hút nguồn cung từ nhiều quốc gia khác.
Tuy nhiên, xét về giá trị kim ngạch nhập khẩu thì các thị trường chính cung cấp thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu cho Việt Nam trong 6 tháng đầu năm gồm: Argentina, Brazil, Trung Quốc, Canada...
Trong đó, riêng Argentina đứng đầu về thị trường cung cấp thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu cho Việt Nam, đạt giá trị gần 828 triệu USD, chiếm 46,7% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này, tăng 21,58% so với cùng kỳ năm trước.
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đánh giá: Kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu từ Argentina tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2017, do nguồn nguyên liệu từ thị trường này dồi dào.
Bên cạnh Argentina, có nhiều thị trường khác mà Việt Nam nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu 6 tháng đầu năm với giá trị lớn, như: Hoa Kỳ 168,3 triệu USD; Ấn Độ 82,5 triệu USD; Trung Quốc 75 triệu USD; Brazil 68 triệu USD.../.