Theo thống kê, Thanh Hóa có 1.535 di tích, danh thắng; trong đó có hơn 70 di tích được xếp hạng, 1 di sản văn hóa thế giới, 2 di tích quốc gia đặc biệt và trên 140 di tích quốc gia. Đây là tiềm năng rất lớn để tỉnh phát huy hoạt động du lịch.

Ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong những năm qua, Thanh Hóa tập trung vào quy hoạch phát triển vùng, xây dựng chương trình phát triển du lịch với mục tiêu biến du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng. Đến năm 2020, cùng với quy hoạch về phát triển du lịch quốc gia, Thanh Hóa phải trở thành một trong những địa bàn du lịch trọng điểm của Việt Nam, du lịch phải trở thành một trong những ngành mũi nhọn của tỉnh.

nha%20ho.jpg
Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn

Phóng viên VOV online phỏng vấn ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Tập trung phát triển 3 sản phẩm du lịch

PV: Xin ông cho biết việc quy hoạch các tuyến du lịch trọng điểm đã được tỉnh Thanh Hóa thực hiện như thế nào?

Thanh Hóa đã xây dựng quy hoạch phát triển du lịch, trên cơ sở đó xác định rõ các tuyến trọng điểm. Đặc trưng nổi bật của tỉnh là di tích, di sản cho nên tỉnh tập trung phát triển du lịch dựa trên 3 sản phẩm chủ yếu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt

Ông Vương Văn Việt:

Thứ nhất là du lịch tắm biển và nghỉ dưỡng ở Sầm Sơn và các bãi biển ở Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Quảng Xương. Thứ hai là du lịch văn hóa, lịch sử. Thanh Hóa có một hệ thống các di tích như Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh;các đền đài miếu mạo thờ các vị Hoàng đế, Anh hùng dân tộc (như đền Bà Triệu, đền Lê Hoàn, Phủ Trịnh…). Loại hình du lịch này thường gắn liền với du lịch tâm linh. Ví dụ như Khu di tích lịch sử và danh thắng Am Tiên (giáp ranh giữa Triệu Sơn và Nông Cống), nơi đây có Huyệt đạo quốc gia, gắn với nơi khởi nghĩa của Bà Triệu…

Thứ ba là du lịch sinh thái, khám phá. Tuyến du lịch này Thanh Hóa có 4 cụm, đó là: Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên và Vườn Quốc gia Bến En. Đây là những khu vực cần được bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh thái, hệ động vật, thực vật và vùng đệm… mà thế giới đang rất quan tâm.

Đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố quyết định

PV: Thanh Hóa phải làm gì để phát triển tốt các sản phẩm du lịch địa phương, thưa ông?

Ông Vương Văn Việt:Để phát triển tốt 3 sản phẩm du lịch này, Thanh Hóa tập trung quy hoạch và từng bước đầu tư hạ tầng cho du lịch, trước hết là giao thông, điện, gắn với đó là dịch vụ khách sạn.

Trong điều kiện hiện nay, Thanh Hóa tập trung trọng điểm vào một số khu, trong đó tập trung cao độ cho Sầm Sơn để phát triển Sầm Sơn thành đô thị du lịch biển (điều này đã được đưa vào quy hoạch quốc gia); bên cạnh đó là khu du lịch, nghỉ dưỡng của Tĩnh Gia, Hoằng Hóa. Hệ thống hạ tầng giao thông tới các tuyến du lịch như Lam Kinh, Thành Nhà Hồ… cũng được tỉnh đầu tư để thu hút du khách. Việc phát triển hệ thống nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch cũng hết sức quan trọng và được tỉnh quan tâm.

Huyệt đạo thiêng trên đỉnh nùi Nưa, Khu di tích Am Tiên

Theo dự báo, sau khi Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn khởi công vào cuối tháng 10/2013, các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, các dự án lớn sẽ vào Thanh Hóa, theo đó lượng lớn du khách sẽ tìm đến với Thanh Hóa.

Một vấn đề hết sức quan trọng đó là tỉnh tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch. Những năm qua, tỉnh đã quy hoạch việc phát triển nhân lực, trong đó có mảng văn hóa – du lịch. Thanh Hóa coi việc đào tạo nguồn nhân lực mang yếu tố quyết định đến thực hiện các chiến lược phát triển du lịch của tỉnh.

Thanh Hóa cũng sẽ thực hiện mô hình liên kết với các tỉnh thành khu vực Nam sông Hồng và Bắc Trung Bộ, thậm chí với các tỉnh của nước bạn Lào để phát triển du lịch xuyên Á.

PV: Đối với Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa đã có kế hoạch như thế nào để phát huy giá trị của khu di tích này?

Ông Vương Văn Việt:Từ khi triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của Di tích này, từ năm 1994, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung vào khai quật khảo cổ học; từ đó tiến hành bảo tồn, trùng tu, tôn tạo hệ thống lăng mộ, nhà bia. Từ năm 2006 đến nay, tập trung trùng tu, tôn tạo các điện, bia…

Về cơ bản, tỉnh đã hoàn thành những hạng mục công trình quan trọng nhất của Điện Lam Kinh. Hiện nay, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công công trình phòng dựng chính Điện Lam Kinh, đây là tòa Điện có diện tích lớn nhất so với các điện hiện nay (trên 1.640m2); cũng như đã hoàn thành 5/9 Tòa Thánh miếu, 4 Tòa còn lại sẽ hoàn thành từ nay đến 2015.

Để phát huy giá trị của Khu di tích quốc gia đặc biệt này, Thanh Hóa đã có quy hoạch chi tiết Khu du lịch lịch sử Lam Kinh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá hình ảnh Khu di tích tới bạn bè trong và ngoài nước. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các hạng mục công trình, từ hạ tầng đến hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, cơ chế chính sách để tổ chức các hoạt động dịch vụ tại Khu di tích này.

Chúng tôi hy vọng cùng với việc xây dựng quy hoạch Khu kinh tế - công nghiệp – nông nghiệp - công nghệ cao ở Lam Sơn, Sao Vàng, phát huy công năng của Sân bay Thọ Xuân, Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh sẽ trở thành điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.

Từ ngày 24 – 26/9 (tức ngày 20 – 22/8 Âm lịch), tỉnh Thanh Hóa sẽ long trọng tổ chức Lễ hội Lam Kinh năm 2013 và Lễ đón Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích lịch sử này.

Lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt cho Khu di tích lịch sử Lam Kinh và lễ hội Lam Kinh 2013 sẽ được tổ chức vào 8h ngày 26/9 tại sân Chính Điện, Khu di tích lịch sử Lam Kinh, (Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Đây là sự kiện có ý nghĩa đối với tỉnh Thanh Hóa và quốc gia, được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 595 khởi nghĩa Lam Sơn và 580 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi. 

Lễ hội Lam Kinh được tổ chức theo nghi thức truyền thống. Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa sẽ tái hiện lịch sử cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hào hùng, cảnh vua Lê đăng quang, dấu ấn thời Lê sơ và Lê Trung hưng, lễ Tịch điền (Vua đi cày ruộng), các giá trị nổi bật về kiến trúc nghệ thuật của di tích Lam Kinh, sự phát triển của Thanh Hóa hiện nay.

 

 Cuộc thi Hoa hậu quý bà thế giới dự kiến tổ chức tại Thanh Hóa

PV: Được biết, tỉnh Thanh Hóa sẽ đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2015. Vậy xin ông cho biết những sự kiện du lịch lớn nào sẽ diễn ra trong năm 2015?

Ông Vương Văn Việt:Hiện tỉnh đã làm việc với Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Tổng cục Du lịch, để có thể đến cuối quý III/2013 ban hành được Chương trình khung về Năm Du lịch quốc gia 2015. Chúng tôi đã sơ bộ thảo luận với Tổng cục Du lịch chọn chủ đề Năm Du lịch quốc gia Thanh Hóa 2015 là “Hành trình đến với các Kinh đô Việt cổ”.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh

Năm 2015, Thanh Hóa có một sự kiện rất quan trọng là kỷ niệm 50 năm Hàm Rồng chiến thắng (3-4/4/1965 – 3-4/4/2015). Chúng tôi dự kiến lấy ngày này làm ngày khai mạc Năm Du lịch quốc gia Thanh Hóa 2015, với việc kỷ niệm 50 năm Hàm Rồng chiến thắng.

Tỉnh cũng đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục – Đào tạo đồng ý cùng với Nghệ An đăng cai tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc vào năm 2015.

Hiện nay, chúng tôi cũng đã ký Bản ghi nhớ với Ban Tổ chức Cuộc thi Hoa hậu quý bà thế giới (Mrs World), xác định các nguồn lực để xin đăng cai tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Quý bà Thế giới vào cuối năm 2015. TS Đoàn Thị Kim Hồng, đệ nhất Hoa hậu quý bà thế giới đã về Thanh Hóa và rất tán thành, ủng hộ Thanh Hóa đăng cai sự kiện này. Nếu đúng như dự kiến thì đây sẽ là lần thứ 2 Việt Nam đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu Quý bà thế giới, kể từ lần tổ chức đầu tiên tại Vũng Tàu vào năm 2009.

Hiện chúng tôi đang tập trung cao độ cho công tác chuẩn bị chương trình, kế hoạch, xây dựng các hoạt động cụ thể cho Năm Du lịch quốc gia 2015, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, cũng như sự phối hợp với các tỉnh thành bạn.

PV: Xin cảm ơn ông!./.