Với những ai có thời gian đến thăm miền Nam nước Pháp, đặc biệt là với những người thích rượu, không ai không biết đến địa danh Thuir (Thua) của vùng Catalan. Nằm cách thành phố Perpignan chừng gần 20 km, thị trấn Thuir không chỉ nổi bật với vẻ đẹp thơ mộng với kiến trúc đặc trưng của vùng Catalan mà nơi đây còn nổi tiếng với hầm rượu và thùng rượu bằng gỗ sồi lớn nhất thế giới mang tên Byrrh. Hằng năm, địa điểm này đón trên 300 nghìn lượt khách thăm quan.
Hầm rượu Byrrh |
Mặc dù chỉ là một thị trấn có hơn 7 ngàn dân, nhưng Thuir nổi tiếng với bề dày lịch sử và những công trình từ thời Trung cổ. Thuir có một vị trí địa lý thuận lợi, nằm cách bờ biển Địa Trung Hải chỉ vài chục phút đi xe và cách Thủ phủ Perpigan của vùng Catalan chừng gần 20 km. Thị trấn nổi tiếng có bề dày lịch sử gắn liền với vương quốc Catalan trong lịch sử nằm giữa Pháp và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, phải tới thế kỷ XIX thì Thuir mới thực sự đạt đến đỉnh cao cường thịnh và sự nổi tiếng của thị trấn gắn liền với một dòng sản phẩm rượu khai vị Byrrh.
Hầm rượu Byrrh là niềm tự hào của người dân thị trấn Thuir. Tọa lạc trên một quần thể nhiều héc-ta, có hệ thống đường sắt nối ra khu cảng cổ Port-Vendres sầm uất một thời và đường bộ nối ra các trục giao thông lớn của miền Nam, đây là một trong những doanh nghiệp sản xuất rượu khai vị lớn nhất trên thế giới.
Cái tên Byrrh là sự kết hợp của các chữ cái mang đến cho thực khách cũng như khách thăm quan hầm rượu một sự tò mò. Tên gọi này đặc biệt ở chỗ nó là tên của một loại rượu, nhưng lại có cách phát âm gần giống với bia – một đồ uống khác rất được ưa chuộng. Lịch sử của tên gọi này cũng rất ly kỳ, bắt đầu từ khi hai anh em nhà Viollet là Simon và Pallade Viollet, vốn gốc là những thương gia vải vóc ở Corsavy, đến định cư ở Thuir.
Thùng rượu bằng gỗ sồi lớn nhất thế giới |
Năm 1827, bên cạnh hoạt động kinh doanh chính, họ quyết định xây dựng một hầm rượu để sản xuất dòng rượu nhẹ ướp hương thơm tự nhiên. Khi tìm tên để đặt cho loại rượu này, do không muốn trùng với các nhãn hiệu rượu khác nổi tiếng trước đó ở Pháp, họ nảy ra ý định sử dụng các chữ cái B.Y.R.R.H. trên một phiếu vải để đặt tên. Từ đó, dòng rượu khai vị Byrrh có mặt trên thị trường và dần chiếm vị trí quan trọng trên các bàn tiệc.
Đến năm 1930, rượu Byrrh được đánh giá là “Ông hoàng” của các dòng rượu khai vị trên thế giới. Cùng với sản phẩm nước uống Seltz, nước chanh Picon, rượu Byrrh đã giữa vị trí dẫn đầu các dòng rượu khai vị trong vòng nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, đến với Thuir, du khách bị cuốn hút bởi rượu Byrrh và lịch sử của rượu này chỉ là một phần, điểm thu hút du khách chính là hệ thống chừng 800 thùng tono làm từ gỗ sồi để ủ và chứa rượu, với sức chứa hàng triệu lít. Trong đó, thùng rượu nổi tiếng nhất là thùng cao 10 m, có đường kính 12,5 m với dung tích chứa được hơn 100 tấn rượu, hiện đang giữ kỷ lục là thùng rượu bằng gỗ sồi lớn nhất thế giới. Để làm được thùng rượu khổng lồ này, những người thợ đã phải mất 15 năm (1935-1950) mới hoàn thành.
Ngày nay, phần lớn của hầm rượu dùng cho sản xuất rượu vẫn thuộc quyền sở hữu của công ty Cusenier. Một phần nhỏ của hầm rượu được Cộng đồng vùng Aspres và Thuir – một liên minh văn hóa và bảo tồn văn hóa của vùng, mua lại để phục vụ khai thác du lịch.
Nói về hoạt động khai thác du lịch hầm rượu Byrrh, bà Gonzales – Phó Chủ tịch phụ trách về du lịch của Cộng đồng vùng Aspres và Thuir, cho biết hoạt động khai thác du lịch hầm rượu Byrrh của liên minh góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của cả vùng. Liên minh cũng có định hướng rõ ràng về đối tượng khai thác du lịch.
“Đối tượng đầu tiên được chúng tôi nhắm đến chính là những du khách trong vùng, từ Thuir, Aspres – những người đến thăm Byrrh cùng với gia đình, bạn bè và họ là những đại sứ quảng bá du lịch cho hầm rượu. Đối tượng thứ hai là những du khách đến từ các vùng lân cận, từ Baccelona của Tây Ban Nha, Toulouse, Montpellier – những người đến thăm Byrrh ngắn ngày, bị quyến rũ bởi vẻ đẹp của thị trấn, và tranh thủ những chính sách phát triển du lịch của địa phương. Đối tượng khách hàng thứ ba là những người yêu mến Thuir và hầm rượu Byrrh – những người bị nghệ thuật ẩm thực của chúng tôi cuốn hút” - bà Gonzales cho biết.
Hằng năm, hầm rượu Byrrh đón hơn 300.000 lượt du khách đến thăm quan. Du khách khi đến đây, ngoài việc được đi thăm quan hầm rượu, được hướng dẫn và giải thích tỷ mỷ về lịch sử cũng như cách thức làm rượu, ai ra về cũng muốn mua mấy chai rượu Byrrh làm quà cho bản thân, gia đình và bạn bè./.