Mỗi năm, nước ta có khoảng 3,5 triệu người mắc các bệnh truyền nhiễm và hàng nghìn trường hợp tử vong. Mô hình bệnh tật đang thay đổi dẫn đến việc không chỉ các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp có chiều hướng tăng, mà các bệnh lây truyền qua đường máu cũng diễn biến phức tạp; nổi lên là bệnh viêm gan C tăng nhanh, chi phí điều trị cao, đang trở thành gánh nặng cho bệnh nhân nghèo.
Nhìn vẻ ngoài vạm vỡ, không ai nghĩ rằng anh Lại Tiến Đạt, ở ngõ 102, đường Trường Chinh, Hà Nội lại mang trong mình căn bệnh viêm gan C, một loại bệnh lây truyền qua đường máu, gây xơ gan và tử vong nhanh nếu không được điều trị kịp thời. Điều đáng nói là anh Đạt chỉ biết mình bị bệnh trong một lần khám sức khỏe định kỳ.
Anh Lại Tiến Đạt cho biết: “Nhân đi khám sức khỏe định kỳ của công ty, thấy men gan cao thì họ bảo tôi nên đi kiểm tra lại. Khám sức khỏe cũng lâu rồi và tôi chủ quan vì không thấy có biểu hiện gì nên mãi sau tôi mới đi kiểm lại và phát hiện nhiễm viêm gan C. Tôi cũng có biết điều trị bệnh này tốn khoảng 200 triệu, nếu dùng tiền lương để trả thì cả đời tôi không trả được”.
Thông thường những người mắc bệnh về gan hay có biểu hiện vàng da, mệt mỏi, nhưng bệnh viêm gan C lại không có những biểu hiện gì rõ rệt nên được ví là kẻ thù thầm lặng của con người. Đối với những bệnh nhân nghèo, mắc bệnh viêm gan C đồng nghĩa với việc phải sống chung với nó, vì chi phí điều trị tốn kém, hàng trăm triệu đồng tiền thuốc mỗi năm và chưa được chi trả bảo hiểm y tế.
Ông Hà Minh Đạt, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, không chỉ lo chạy tiền chữa bệnh, bệnh nhân viêm gan C còn phải đối mặt với những phản ứng phụ khá nặng nề trong quá trình điều trị.
“Khi tôi điều trị viêm gan C, cứ mỗi lần tiêm thuốc kháng vào thứ 3 hàng tuần thì đến thứ 4 bị sốt, dai dẳng đến tận thứ 7, chủ nhật; sau đó thứ 3 tuần sau lại tiêm, lại sốt, ảnh hưởng đến sức khỏe, chân tay mệt mỏi, nằm li bì”, ông Đạt nói.
Theo bác sỹ Nguyễn Ngọc Phúc, Trưởng khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nếu như trước đây, trung bình một tuần mới có một bệnh nhân viêm gan C, thì nay bệnh nhân đã tăng lên, ngày nào cũng có người mắc bệnh này đến điều trị.
Còn theo bác sỹ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đa phần những bệnh nhân viêm gan C được phát hiện trong quá trình khám, điều trị một bệnh khác và khi nhập viện đều ở tình trạng nặng, xơ gan và ung thư gan.
Bác sỹ Nguyễn Hồng Hà cho biết: “Viêm gan C chưa có vaccine phòng bệnh và khó khăn lớn nhất hiện nay là khi phát hiện viêm gan C thường ở giai đoạn muộn, không còn chỉ định để điều trị hoặc điều trị không hiệu quả. Một quy trình điều trị xơ gan, nếu mua được thuốc gốc thì cũng phải mất 150 đến 200 triệu một năm điều trị, chắc chắn là khó khăn vì chi phí như vậy là lớn đối với người Việt Nam, nhưng hậu quả của viêm gan C cũng rất lớn vì khả năng chuyển thành viêm gan mãn đến 80%, dần dần đến xơ gan, ung thư gan”.
Những người nguy cơ cao mắc bệnh viêm gan C là nhóm nghiện chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn, lây truyền từ mẹ sang con, bệnh nhân truyền máu và nhóm y bác sỹ. Nhóm bệnh nhân vừa nhiễm HIV vừa bị viêm gan C bỏ điều trị nhiều nhất vì sức khỏe yếu và không có tiền mua thuốc.
Trong khi đó, thuốc điều trị viêm gan C chưa được sản xuất trong nước và giá cả lại cao gấp đôi so với ở Thái Lan. Theo ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc này sẽ được giải quyết vì trong lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2014, đã tính đến việc chi trả bảo hiểm y tế cho những kỹ thuật cao và những danh mục thuốc đắt tiền trong đó có thuốc điều trị viêm gan C.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, bệnh viêm gan virus là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành cao virus viêm gan, đặc biệt là virus viêm gan B và C . Theo kết quả nghiên cứu chưa đầy đủ thì tỷ lệ bệnh nhân viêm gan B khoảng 10% đến 25% dân số và tỷ lệ này ở viêm gan C khoảng 0,4% đến 4,1% dân số.
Tuy nhiên, theo các bác sỹ chuyên khoa gan, trên thực tế, tỷ lệ này lớn hơn nhiều, nhất là tại các tỉnh thành phía Nam và đến nay mới chỉ có vaccine phòng bệnh viêm gan B mà chưa có vaccine phòng bệnh viêm gan C. Vì vậy viêm gan C vẫn là gánh nặng của người dân, nhất là bệnh nhân nghèo./.