Chiều 20/8, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Y tế thành phố tiến hành kiểm tra công tác cách ly, giám sát đối với những người nghi mắc Ebola trong cộng đồng.

Tại Trung tâm Y tế dự phòng quận Thủ Đức và quận 9, đại diện Viện Pasteur và Sở Y tế thành phố đã lắng nghe cách giải quyết tình huống khi có trường hợp bị nghi ngờ nhiễm virus Ebola tại cộng đồng cũng như các khúc mắc, đề xuất của các nhân viên y tế.

giam_sat_ebola_nkrv.jpgHai hành khách (ngoài cùng bên trái ảnh) trên chuyến bay từ Quatar nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất ngày 19/8 được nhân viên y tế quận Thủ Đức hướng dẫn kê khai sức khỏe. 

Lần đầu tiên chuẩn bị đối phó với dịch bệnh này nhưng trước sự nguy hiểm của bệnh Ebola, hệ thống y tế dự phòng ở cơ sở đã có những chuẩn bị chu đáo như cung cấp đầy đủ các phiếu theo dõi sức khỏe, tờ tuyên truyền, phiếu tiếp cận khách nhập cảnh lần đầu cho những người thuộc diện phải giám sát y tế.

Tuy nhiên vẫn còn những lúng túng khi phải giải quyết những tình huống cụ thể hoặc còn áp dụng rập khuôn cách ứng phó như với các bệnh truyền nhiễm khác.

Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cách ly mà làm không khéo sẽ gây hoang mang nhất định. Biện pháp đầu tiên khi phát hiện có trường hợp nghi ngờ phải gọi điện thoại thông báo ngay cho cấp trên, tuyệt đối xông ngay vào trận tuyến, nếu đến thì phải mặc áo bảo hộ. Công tác phòng lây nhiễm cho cán bộ y tế phải đặc biệt chú trọng. Vừa làm vừa xin ý kiến chứ không tự làm”. 

Quận Thủ Đức và quận 9 là một trong những địa phương ở thành phố Hồ Chí Minh có những hành khách đến từ vùng dịch là Nigieria và Liberia. Những hành khách này đều đã được Trung tâm y tế dự phòng quận liên lạc, cung cấp số điện thoại và các khuyến cáo về việc tự giám sát cũng như hạn chế đi lại trong vòng 21 ngày kể từ lúc rời khỏi vùng dịch ở Tây Phi.

Theo Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng 3 chuyến bay từ vùng Trung Đông đến Việt Nam, trong đó có một đến vài người là đến từ vùng dịch./.