Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định có 114 hồ chứa có hiện trạng yếu cần lưu ý về an toàn trong mùa mưa bão, trong đó nhiều hồ có đập bị thấm mạnh, tràn xả lũ bị vỡ lở xuống cấp như: Hồ Đồng Bể (Thanh Hoá); Khe Sặt, Thanh Thủy (Nghệ An); Đập Họ, Vực Rồng (Hà Tĩnh); Tôn Dung, Đá Bàn (Quảng Ngãi); Kim Sơn, Mỹ Đức, Hội Khánh (Bình Định).

Ngoài ra, các tỉnh Tây Nguyên và Tổng công ty Cà phê có 51 hồ chứa có hiện trạng yếu, trong đó nhiều hồ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão như: Đắk Hnia, Đắk Hniêng , tỉnh Kon Tum, Đội 4, Hà Tam, tỉnh Gia Lai; Đội 14, tỉnh Đắk Lắk; Thôn 2, tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, hồ chứa thuộc ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên hầu hết đã đầy nước và đang tiến hành xả tràn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, các hồ lớn chứa nước từ Thanh Hóa trở vào phải khẩn trương xả nước vì mức nước đang cao hơn so với bình thường. Các hồ nhỏ không xả được thì các địa phương tăng cường kiểm tra giám sát. Lũ trên sông Hương và sông Vu Gia, Thu Bồn đang lên nhanh có thể đạt đỉnh, ở thượng nguồn các sông này rất nhiều hồ lớn, nên Bộ Công Thương cần tăng cường chỉ đạo các hồ chủ động tham gia chống lũ. Tổng cục thủy lợi cũng phối hợp chính quyền đại phương, chủ hồ thường xuyên theo dõi tình hình và kiểm soát mực nước.

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến sáng 8/11, 17 hồ thủy điện đang xả tràn, trong đó có 8 hồ xả tràn với lưu lượng từ 500 - 4.400m3/s gồm các hồ Thuỷ điện Bình Điền, Hương Điền, Sông Ba Hạ, Yaly, Đắk Mi 4A, Sê San 3; Sê San 4; Plei Krông./.