Trước việc 1 số hồ chứa nước trên địa bàn của huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa bị vỡ do ảnh hưởng của mưa bão số 10, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng phụ trách đang trực tiếp chỉ đạo khắc phục sự cố.

Đoàn công tác cũng đã tiếp cận được xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia là một trong những địa phương bị ngập lụt nặng nề nhất do bị vỡ hồ chứa nước. Phóng viên VOV phỏng vấn Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng về công tác khắc phục hậu quả do vỡ hồ đập.

PV: Thưa ông, sau khi kiểm tra tại tỉnh Thanh Hóa, ông đánh giá như thế nào về việc khắc phục sự cố vỡ 1 số hồ chứa nước tại huyện Tĩnh Gia ?

tt-thang1.jpg
Ông Hoàng Văn Thắng: Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, mưa lớn đã ảnh hưởng nặng nề tới 8 xã của huyện Tĩnh Gia, trong đó 5 xã bị ngập nặng. Vùng này rất nhiều hồ chứa nước nhỏ. Có 2 hồ chứa bị vỡ. Một hồ dung tích 200.000 m3 và một hồ 500.000 m3. Những hồ này vỡ là do lượng mưa lớn, vượt tần suất thiết kế, nên ảnh hưởng rất mạnh đến đời sống bà con vùng thấp trũng.

Qua kiểm tra, chúng tôi thấy chính quyền tỉnh, huyện, xã chỉ đạo rất tốt, phương án di dân đã được thực hiện nên mặc dù mưa lũ lớn, 2 hồ chứa nước bị vỡ nhưng không xảy ra thiệt hại về người.

Mưa lũ cũng gây ngập hàng nghìn nóc nhà, 1.000 ha lúa, đặc biệt gây tắc nghẽn giao thông trên Quốc lộ 1 không qua lại được nhưng lực lượng vũ trang đã điều nhiều phương tiện ca nô, thuyền, ô tô tiếp cận vùng lũ để cứu hộ, cứu nạn, cung cấp lương thực, thực phẩm và chiều qua, toàn bộ người dân vùng ngập nặng đã được đưa đến vùng an toàn.

PV: Tại tỉnh Nghệ An cũng đang cho xả lũ hồ Vực Mấu, huyện Quỳnh Lưu gây ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng hạ du? Vậy theo ông, còn hồ chứa nước nào có cơ bị vỡ không?

Ông Hoàng Văn Thắng: Hiện nay, hồ Vực Mấu vẫn đang xả. Lúc chúng tôi kiểm tra lưu lượng xả vẫn còn ở mức hơn 1.000m3/giây. Thanh Hóa và Nghệ An là 2 tỉnh có rất nhiều hồ chứa nước, có tới 600 đến 700 hồ chứa nước.

Tuy nhiên, đặc điểm của mưa bão lần này lại mưa tập trung tại khu vực Nam Thanh Hóa và Bắc Nghệ An, cụ thể là huyện Tĩnh Gia và huyện Quỳnh Lưu cho nên 2 vùng này cần tập trung kỹ. Mặt khác, cũng phải nhắc nhở các chính quyền đại phương các cấp và chủ hồ chứa ở các khu vực khác cần giám sát chặt chẽ để chủ động kiểm tra và chủ động các phương án vận hành để phòng tránh các nguy cơ.

PV:Như ông vừa nói là Thanh Hóa và Nghệ An có nhiều hồ chứa nước đang phải xả tràn. Vậy 2 địa phương này cần tiếp tục triển khai những biện pháp gì để đảm bảo an toàn hồ chứa?

Ông Hoàng Văn Thắng: Hiện nay, các hồ đập lớn như hồ Cửa Đạt, Yên Mỹ, Sông Mực đã xả mức nước kịp thời để nếu mưa tiếp thì vẫn đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, không được chủ quan, cần giám sát chặt chẽ.

Đặc biệt đối với các hồ đập nhỏ, thường không có hệ thống cửa van để xả nước mà buộc phải tự tràn nên cần kiểm tra rất kỹ điều kiện tích nước. Nếu không đảm bảo thì không cho tích nước. Còn lại những hồ chứa khác dù không có nguy cơ, nhưng nếu có mưa lớn thì cũng phải giám sát rất kỹ.

PV: Xin cảm ơn ông./.