Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu về việc triển khai công tác dự báo, cảnh báo thiên tai năm 2015.

** Ông có thể cho biết tình hình thời tiết năm nay có những diễn biến gì bất thường và việc triển khai công tác dự báo với các diễn biến này?

Ông Nguyễn Văn Tuệ: Năm nay theo đánh giá của chúng tôi thì do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino thì theo quy luật số lượng cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam có thể ít hơn nhưng diễn biến bão lại bất thường, phức tạp. Kèm theo đó là tình hình mưa, lũ diễn biến cũng sẽ khó lường hơn.

Trước tình hình đó, việc đầu tiên của chúng tôi vẫn là tăng cường công tác, theo dõi, dự báo sát tình hình thời tiết, thiên tai, khí tượng thủy văn.

Khi đã có dự báo thì thực hiện đảm bảo việc cung cấp kịp thời thông tin đến cộng đồng, cơ quan chỉ đạo. Nâng cao chất lượng bản tin bao gồm cả về chất lượng dự báo và phương thức truyền tải thông tin để làm sao mọi người có thể hiểu đúng các thông tin dự báo khí tượng thủy văn để có giải pháp phòng tránh kịp thời.

Mặt khác, để thực hiện Luật phòng chống thiên tai, năm 2014, Chính phủ đã ban hành quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai cũng như cấp độ rủi ro thiên tai. Việc thực hiện vẫn đang được tiến hành chặt chẽ theo quy định của Chính phủ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì chưa phù hợp trong các quy định, chúng ta có thể kịp thời điều chỉnh, làm sao đạt mục đích cuối cùng là dự báo, cảnh báo tốt nhất các thiên tai, thời tiết.

** PV: Trong công tác dự báo, cảnh báo hiện nay còn gặp những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tuệ: Việc dự báo, cảnh báo của chúng ta hiện nay vẫn còn khó khăn do nguồn dữ liệu, thông tin đầu vào cho việc dự báo còn hạn chế. Cụ thể như việc dự báo lũ, thông tin của các hồ chứa hiện nay vẫn còn rất thiếu.

Chính vì vậy, chúng ta cần tăng cường thực hiện các chiến lược về phát triển ngành khí tượng thủy văn, tiếp tục các dự án đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống quan trắc, đảm bảo cung cấp đầy đủ số liệu.

Đồng thời, tăng cường sự phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương và các chủ hồ chứa để có số liệu chính xác việc vận hành hệ thống hồ chứa, xả lũ và thực hiện nghiêm 11 quy trình vận hành liên hồ chứa mà Chính phủ mới ban hành.

Bộ Tài Nguyên và Môi trường là nơi giúp Chính phủ ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa nên cũng có vai trò giám sát thực hiện.

Trong mỗi quy trình đều có các quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương, các ngành và đặc biệt là trách nhiệm của chủ hồ chứa. Dựa vào đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Hiệu quả rõ nhất sẽ là thông tin cần thiết có về được cơ quan khí tượng thủy văn hay không để họ sử dụng thông tin cho công tác dự báo. Nếu không có đủ thông tin thì lúc đó sẽ kiểm điểm trách nhiệm vì sao thông tin không có. Như vậy sẽ giúp tránh được cái hiện nay đang là khó khăn.

Về lâu dài chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao năng lực trong công tác quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, nhất là năng lực dự báo về bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất…

Một nội dung nữa chúng tôi đang thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đề phòng đối phó với các siêu bão.

Khả năng siêu bão ảnh hưởng đến nước ta tuy không nhiều nhưng cũng không phải không có. Cùng với ảnh hưởng của siêu bão, ngoài gió thì vấn đề nước biển dâng cũng hết sức nghiêm trọng.

Chúng tôi đang tập trung công tác phân vùng bão, dự báo nguy cơ nước biển dâng cụ thể cho từng vùng để chúng ta sớm có kế hoạch phòng chống.

** PV: Xin cảm ơn ông!