Sự cố xảy ra cách đây hơn một tháng, nhưng đến nay, người dân thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang vẫn chưa hết xót xa khi nhớ lại ngày 2 học sinh Nguyễn Trường Duy và Huỳnh Hữu Thái, do bất cẩn nhặt quả bóng rơi giữa dòng nước mà thiệt mạng. Bà Dương Thị Hồng, bà ngoại của em Nguyễn Trường Duy, nghẹn ngào kể: “Tôi bị bệnh tim nên không theo dõi cháu sát sao được. Nó bảo nó đi chơi chút rồi về thế mà nó lại đi luôn”.
Theo Sở LĐ-TB&XH Tiền Giang, trẻ em bị chết đuối trên địa bàn tỉnh ngày một gia tăng, đa phần là trẻ em dưới 10 tuổi. Năm 2010, tỉnh có 25 trẻ em thiệt mạng do đuối nước. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 6 vụ đuối nước, cướp đi mạng sống của 12 trẻ em; trong đó tại huyện Chợ Gạo xảy ra 2 vụ đuối nước làm 4 trẻ chết; thành phố Mỹ Tho xảy ra 2 vụ làm chết 3 em.
Nguyên nhân khiến trẻ em thiệt mạng do đuối nước có nhiều. Nhưng nguyên nhân chính là do các bậc cha mẹ và người thân trong gia đình quản lý, chăm sóc trẻ lỏng lẻo. Nhiều gia đình mải lo làm ăn để con trẻ tự do vui chơi, không có người trông coi, chăm sóc.
Gần đây là vụ 2 em Ngô Phương Nam (học sinh lớp 2) và Ngô Khánh Duy (học sinh lớp 4) ở xã Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo) được cha mẹ cho ra ruộng để thả diều. Thả diều xong, hai em đến rửa chân tại vũng nước sâu, bị trượt chân mất mạng. Hay trường hợp của em Nguyễn Tường Vũ (8 tuổi), Nguyễn Thị Nhung (6 tuổi) ở xã Bình Phan (huyện Chợ Gạo), ở nhà không có người lớn quản lý đã dẫn nhau đến tắm ở một con kênh mới nạo vét rồi chết đuối.
Nguyên nhân quan trọng nữa là do trẻ chưa được học bơi lội. ở vùng nông thôn tỉnh Tiền Giang, đa số các tuyến kênh, mương nội đồng, nguồn nước đều bị ô nhiễm, không còn là nơi để trẻ tập bơi lội. Còn ở thành phố Mỹ Tho, trung tâm của tỉnh Tiền Giang, chỉ có 2 cơ sở dạy bơi lội nhưng quy mô nhỏ. Các cơ sở này thu phí khá cao không phải gia đình nào cũng có tiền cho con theo học.
Ông Nguyễn Thành Tấn, Phó Trưởng phòng Bảo trợ và chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Hiện nay, tỷ lệ trẻ biết bơi thấp hơn trước nhiều. Nguyên nhân là do trẻ không có nơi để học bơi. Ngày trước, người lớn cứ cho con em ra sông học bơi nhưng nay sông ngòi cũng ô nhiễm hết rồi”.
Thời gian qua, các ngành, đoàn thể ở tỉnh Tiền Giang triển khai thực hiện chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em, nhưng việc dạy bơi cho học sinh chỉ mang tính “thí điểm”, việc tuyên truyền giáo dục chỉ thực hiện theo phong trào. Có nhiều tổ chức cũng đến tặng áo phao, cặp phao cho học sinh và vận động các em qua đò mặc áo phao nhưng đa phần các em không thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều đò ngang đưa đón trẻ qua sông, rạch chưa an toàn; vai trò của xã hội trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em chưa được thể hiện.
Để hạn chế tình trạng trẻ em đuối nước ở tỉnh Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung, các cấp, các ngành và các bậc cha mẹ phải quan tâm hơn nữa tới việc dạy bơi cho trẻ. Nên đưa bơi lội thành môn học trong nhà trường; coi trọng công tác chăm sóc, quản lý trẻ, nhất là đối với trẻ ở gần môi trường sông nước./.