Theo báo cáo của Văn phòng thường trực chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa đến chiều ngày 1/10 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, mưa lũ đã làm sập 3 ngồi nhà, 8 nhà bị tốc mái, hơn 1.000 hộ dân bị ngập, tập trung tại các xã Hải Hà, Hải Thượng, Hải Yến, Mai Lâm, Tĩnh Hải của huyện Tĩnh Gia. Bên cạnh đó còn có 1.600 ha lúa bị ngập, 1.500 ha lạc và các loại cây rau màu bị ngập, hư hại; 15 ha đồng muối của bà con diêm dân bị ngập; 2 hồ đập bị vỡ gồm hồ: Đồng Đáng, dung tích 300.000m3 (xã Trường Lâm) và Thung Cối, dung tích 200.000m3 (xã Phú Lâm); 4 hồ đập khác bị hư hại; đê bao Cầu Tây (xã Trúc Lâm) bị vỡ dài 20m; đường liên xã sạt lở 10.000m3; Nhiều tuyến kênh mương bị sạt lở nghiêm trọng, bờ bao nuôi trồng thủy sản tại nhiều xã của huyện Tĩnh Gia bị tràn, vỡ mất an toàn.
Giao thông gián đoạn do ngập lụt |
Do ảnh hưởng của bão, trong quá trình vào bờ trú ẩn, tránh bão, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 3 vụ tai nạn tàu trên biển khiến tàu chìm. Đó là tàu chở hàng NĐ-1533 bị sóng đánh chìm trên vùng biển Hoằng Hóa vào rạng sáng 1/10, 5 thuyền viên trên tàu may mắn được cứu thoát. Tiếp đó, lúc 04h sáng 1/10, tại bến neo đậu của xã Hải Hà (Tĩnh Gia) có hai tàu của ngư dân xã Quảng Nham (Quảng Xương) bị sóng đánh chìm khi đang tránh trú bão. Khi gặp nạn, trên hai thuyền có 5 thuyền viên tất cả đều may mắn được các thuyền bạn cứu sống an toàn.
Cùng ngày (1/10), trên địa bàn xã Công Bình (Nông Cống) xảy ra vụ tai nạn, hai học sinh lớp 7 trên đường đi học về đã bị nước lũ cuốn trôi. Sau nhiều giờ tìm kiếm, gia đình và chính quyền địa phương đã tìm thấy thi thể hai nạn nhân.
Mưa lũ cũng đã làm nước chảy xiết, tràn qua đường sắt đoạn km 233+900 đến km 234+075 thuộc địa phận huyện Tĩnh Gia gây ngập đường ray và sạt lở. Hiện Cty TNHH một thành viên đường sắt Thanh Hóa đang tìm các biện pháp để khắc phục, nhưng đến chiều tối 1/10 vẫn chưa khắc phục xong, sự cố trên đã khiến nhiều chuyến tàu phải dừng hoạt động.
Hiện tuyến đường Quốc lộ 1A từ Xuân Lâm đến Trường Lâm nước tràn qua đường nhiều tuyến từ 0,7m đến 1m khiến lực lượng chức năng phải cảnh báo không cho các phương tiện lưu thông qua tránh bị nạn.
Để tiếp tục khắc phục những thiệt hại và khẩn trương cứu trợ người dân, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngành chức năng tích cực trợ giúp bà con vùng ngập lụt:
Sở Công thương Thanh Hóa đã huy động 300 thùng mì tôm, 100 thùng nước khoáng để cứu đói cho dân các xã bị ngập lụt thuộc huyện Tĩnh Gia; Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa đã điều động 160 chiến sỹ tham gia sơ tán dân vùng ngập lụt.
Huyện Tĩnh Gia phối hợp với các ngành cử người canh gác và hướng dẫn giao thông tại các tuyến đường bị ngập, các ngầm tràn. Tổ chức sơ tán dân các vùng bị ngập nặng đến nơi an toàn và đảm bảo các nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân vùng ngập lụt, không để xảy ra tình trạng dân bị đói, rét.
Tiếp tục theo dõi, kiểm tra các hồ chứa trên địa bàn để phát hiện kịp thời các sự cố, xử lý ngay từ giờ đầu đảm bảo an toàn cho công trình. Kiểm tra và huy động mọi lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục các khu vực sạt lở, sự cố hư hỏng về giao thông, kênh mương, hồ đập, bờ bao nôi trồng thủy sản.
Tập trung sửa chữa, vệ sinh nhà cửa, đường xá, giải phóng ách tắc giao thông, ổn định sinh hoạt cho nhân dân.../.
Một số hình ảnh ngập lụt tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa):
Hàng nghìn nhà dân đang bị ngập trong nước |
Các tuyến đường bị ngập nước khiến gia thông bị gián đoạn, ách tắc |
Người dân tự chèo thuyền thoát khỏi nơi ngập lụt |
Lực lượng cứu hộ đến từng nhà dân cứu giúp |
Nhiều tuyến đường bị hư hỏng, sạt lở |