Hiện tại, trên cánh đồng của các xã trên thay vì màu xanh tươi tốt của lúa thì hiện tượng lúa chết rụi đang diễn ra khiến bà con nông dân thiệt hại lớn về giống, tiền công. Những sào lúa được cấy lại cũng chỉ là biện pháp chắp vá để tránh ruộng bỏ không.

a4.jpg
Lúa chết vì rét đậm, rét hại

Trên cánh đồng xã Hoằng Anh, gia đình anh Nguyễn Hữu Thống (thôn 9, xã Hoằng Anh) đang cố vớt từng khóm mạ còn thừa của các hộ khác để cấy lại 4 sào lúa mới cấy nhưng đã bị chết.

Anh Thống cho biết, vụ lúa này gia đình mới hoàn thành việc cấy xong nhưng chưa đầy 1 tuần nhưng 4 sào lúa của gia đình tôi đã bị chết rụi hết. Chúng tôi cấy theo lịch thời vụ vào các ngày từ 8-13/2, cùng vào dịp đó, thời tiết rét đậm, rét hại, ruộng chỗ có nước, chỗ không có nước nên lúa đã chết.

Không chỉ riêng hộ anh Thống, hàng chục hộ gia đình tại xã Hoằng Anh đang đứng trước những khó khăn khi nhiều diện tích lúa bị chết, không còn mạ cấy lại, nếu có cấy lại thì chi phí cho mỗi sào lúa tăng gấp đôi khiên người nông dân rất lo lắng.

Ông Nguyễn Hữu Sinh - Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp xã Hoằng Anh cho biết, toàn xã Hoằng Anh có hơn 200ha diện tích trồng lúa, những ngày qua, bà con nông dân gieo cấy gần như đã hoàn thành nhưng do thời tiết rét đậm, rét hại khiến khoảng 5ha lúa của xã đã bị chết rét. Hiện, HTX cùng chính quyền địa phương đang vận động bà con cấy lại những diện tích lúa bị chết, tập trung thu gom những phần mạ còn thừa để cấy, tránh tình trạng để ruộng trống gây lãng phí.

Cũng tình trạng tương tự, hơn 4ha lúa của nông dân tại xã Hoằng Long cũng đã bị chết rét.

Theo ông Lê Công Nhị - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hoằng Long cho biết, toàn xã hiện có hơn 4ha lúa bị chết rét. Các ruộng lúa bị chết thường là những ruộng cao hơn, khi cấy xong thì không có nước ngâm chân cây lúa, lại gặp vào dịp rét đậm rét hại vừa qua khiến lúa không thể chịu nổi và chết rét.

“Chủ yếu dịch tích lúa chết rơi vào loại giống Bắc thơm, giống này có khả năng chịu rét thấp. Tuy cùng cánh đồng nhưng giống Bắc Thơm có hiện tượng chết nhiều hơn” - ông Nhị cho biết thêm.

Nhiều bà con nông dân tại các xã trên cho biết, hiện họ phải đi thu gom những khóm mạ còn thừa của các hộ khác để cấy lại diện tích lúa chết nhưng sẽ không đủ để cấy. Đến thời điểm hiện tại cũng không thể gieo mạ thêm vì muộn thời vụ. Như vậy, có thể nhiều diện tích đất trồng lúa sẽ bị bỏ không.

Chị Lê Thị Thuê (thôn 7 xã Hoằng Anh) đang cặm cụi cấy lại ruộng lúa chết xót xa nói, gia đình tôi có 3 sào lúa cấy giống Tạp Giao bị chết rét, nếu tính cả giống và tiền công thuê cấy, làm đất vừa qua thì mỗi sào gia đình tôi mất khoảng 600.000đ/sào. Không chỉ riêng gia đình tôi, ở đây hộ nào cũng vậy, giờ lúa chết, không có mạ cấy lại, vụ này chắc không đủ vốn đầu tư rồi.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trưa và chiều ngày 18/2, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu khắp các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. 

Đêm 18/2, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các tỉnh Trung Trung Bộ.

Thời tiết lại tiếp tục rét đậm, rét hại khiến cho bà con nông dân Thanh Hóa đang lo lắng lúa sẽ tiếp tục chết rét cả những diện tích cấy trước đó và diện tích vừa cấy lại.

Những hình ảnh ghi lại tại Thanh Hóa về hiện tượng lúa chết do thời tiết rét đâm, rét hại:

Lúa chết hàng loạt vì rét đậm, rét hại khiến người nông dân khốn đốn
Vợ chồng anh Thống đang cố gắng cấy lại những sào lúa bị chết
Nếu thời tiết tiếp tục rét nguy cơ cao lúa sẽ tiếp tục chết rét
Ông Nguyễn Hữu Sinh cho biết, hầu hết rễ của lúa non chưa kịp ra thì lúa đã chết
Nông dân ngậm ngùi trước những cánh đồng lúa bị chết rét