1.200 tàu thuyền và gần 3.000 lao động đang khai thác thủy hải sản tại các huyện ven biển là Thái Thụy, Tiền Hải đã được di chuyển đến nơi an toàn. Các cơ quan, đơn vị chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, truờng học, bệnh viện bảo đảm an toàn cho người, cơ sở vật chất, vật tư, thiết bị để tránh bão.
Đến thời điểm này, toàn bộ gần 1.200 tàu thuyền với hơn 3.000 lao động đang hoạt động, khai thác thủy, hải sản của tỉnh Thái Bình đã được di chuyển về nơi trú ẩn an toàn. 100% các trạm bơm tiêu úng trên địa bàn đang được vận hành hết công suất kết hợp mở các cống để hạ mực nước trong toàn hệ thống nhằm giảm thiểu tình trạng ngập úng lúa và hoa màu. Các đơn vị thi công đã cơ bản hoàn thành việc gia cố lại 3 điểm đê trọng yếu của tuyến đê quốc gia thuộc tuyến đê biển số 5.
Theo phương châm 4 tại chỗ, tại các xã, phường, thị trấn sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn nhằm bảo đảm an toàn cho người, và tài sản. Tuy nhiên, do đây là thời điểm thuận lợi cho đánh bắt thủy sản, nên nhiều địa phương ven biển vẫn xuất hiện tình trạng, người dân tại các chòi nuôi thủy sản chống đối di chuyển vào khu vực trong đê, bằng cách vẫn trốn ra biển tranh thủ đánh bắt khi bão chưa đổ bộ.Ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình, Phó Trưởng ban phòng chống lụt bảo tỉnh, cho biết, tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt yêu cầu các tiểu ban cứu hộ, cứu nạn và bộ đội biên phòng có biện pháp cưỡng chế quyết liệt để đưa người dân tại các chòi nuôi thủy sản ngoài biển vào bờ đến khi bão tan.
“Chúng tôi chỉ đao kiên quyết phải đưa người dân vào vùng trú ẩn an toàn. Nhưng, chúng tôi cũng không chủ quan, có thể là nước lớn thì bà con về nhưng vào bam đêm khi nước cạn bà con lai ra biển. Chúng tôi đang rải lực lượng và tuyên truyền cho bà con lệnh cấm biển, dứt khoát ngày hôm nay (3/8) không một trường hợp nào ra biển. Nếu hộ nào, người nào cố tình, chúng tôi sẽ lập biên bản và giải quyết theo thẩm quyền của đơn vị.” - ông Phạm Văn Xuyên cho biết./.