Chuyến đi định mệnh

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn cuối năm 2013, ở vùng quê nghèo miền biển huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã xảy ra liên tiếp hai vụ đắm tàu, khiến 16 ngư dân vĩnh viễn nằm lại giữa lòng biển khơi. Làng biển nghèo trắng khăn tang. Nỗi đau dường như quá sức chịu đựng của những người vợ, người mẹ, những đứa con thơ.

Ngày Tết cổ truyền của dân tộc đang cận kề, sắc xuân đang về trên từng con phố, ngõ nhỏ, thì ở đây thân nhân của những thuyền viên tử nạn, nỗi đau vẫn còn hiện hữu.

anh.jpg

Ôm chiếc áo phao mà chồng mình mặc trước lúc ra đi, chị Mai Thị Phượng -vợ thuyền viên Hồ Vĩnh Thế như muốn tìm lại chút hơi ấm của chồng

Ngày 28/11/2013 cả xóm xã An Hòa, Quỳnh Lưu (Nghệ An) như rung chuyển khi nghe tin dữ từ biển khơi báo về. Con tàu mang số hiệu NA 90249 TS do thuyền trưởng Nguyễn Minh Trí cùng 9 thuyền viên khác đã gặp nạn khi đang đánh bắt cách bờ khoảng 80 hải lý.

Thông tin ban đầu cho biết, khi các thủy thủ trên tàu đang hăng say đánh bắt thì bất ngờ những cơn sóng giữ ầm ầm cuộn đến. Chưa kịp thu lưới, tàu bị sóng đánh gãy một sào lưới phía trước khiến bị mất thăng bằng, tàu nghiêng rồi chìm dần xuống biển.

10 ngư phủ trên tàu chỉ kịp ôm lấy tấm bần xốp bằng phao rộng khoảng 2 m2, cùng 2 chiếc áo rồi bỏ tàu nhảy xuống biển. Giữa làn nước lạnh căm, họ vật lộn với hàng vạn con sóng lớn và gió buốt thổi rít. Sau hơn 30 giờ vật lộn, 8 ngư phủ đã không còn chút sức lực nào, lần lượt từng người một dần buông tay chìm vào lòng biển.

Hai thuyền viên Vũ Vĩnh Lai ở xã An Hòa và Vũ Viết Hà ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu, Nghệ An) may mắn sống sót trở về như một phép nhiệm màu của biển cả. Để có thể sống sót, họ đã phải nhai tất cả những gì có thể để giữ ấm cho mình và không ngủ quên khi thần chết đang kề bên.

8 thuyền viên của vùng quê nghèo Quỳnh Lưu vĩnh viễn ở lại với biển cả. Tới bây giờ thi thể của họ vẫn nằm đâu đó giữa biển khơi. Nỗi đau quá lớn khiến những người mẹ, người vợ, những đứa con thơ khóc cạn nước mắt.

Nỗi đau dường như quá sức chịu đựng của những người vợ, người mẹ.

Ôm chiếc áo phao mà chồng mình mặc trước lúc ra đi, chị Mai Thị Phượng vợ thuyền viên Hồ Vĩnh Thế nghẹn ngào: “Ngày ra khơi anh ấy hứa sẽ cố gắng đánh bắt thật nhiều rồi góp tiền sang năm sửa nhà cho mấy mẹ con, vậy mà anh ấy ra đi mãi rồi. Bây giờ, nhìn mọi người đón Tết vui vẻ bên người thân, nghĩ đến chồng mình còn nằm đâu đó ngoài biển khơi, tôi không cầm được nước mắt”.

Đau thương chưa kịp nguôi ngoai sau vụ chìm tàu thứ nhất, ngày 9/12/2013 tàu cá mang số hiệu NA 93240 TS do thuyền trưởng Bùi Hoàng Hiệp ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu, Nghệ An) bất ngờ bị đắm khi đang trên đường trở về. Tất cả những thuyền viên trên tàu đều là anh em, họ hàng, hàng xóm với nhau tại xóm Minh Thành, xã Quỳnh Long.

Cả xóm nghèo phủ trắng khăn tang. Tiếng khóc thương ai oán khắp xóm nghèo những ngày cuối năm, 8 thuyền viên vĩnh viễn nằm lại giữa lòng biển khơi.

Tết buồn trong nước mắt

Những ngày giáp Tết Nguyên đán của dân tộc, xóm nghèo Minh Thành, xã Quỳnh Long, nỗi đau vẫn như còn hiện hữu nơi đây. 

Ôm đứa con nhỏ mới hơn 3 tháng tuổi vào lòng, chị Bùi Thị Vân (SN 1989) vợ của thuyền viên Vũ Văn Biên chua chát: “Từ ngày anh ấy ra đi, tôi chỉ biết ôm con khóc! Tết đến, nhìn gia đình người ta sum vầy, quây quần bên nhau, nghĩ đến anh ấy tôi lại càng buồn hơn. Chắc năm nay, nhà tôi không ăn tết”. Nói đoạn, chị Vân khóc nghẹn khi nhớ đến chồng mình.

 Ru đứa con nhỏ mới hơn 3 tháng tuổi, chị Bùi Thị Vân (SN 1989) vợ của thuyền viên Vũ Văn Biên nghẹn ngào khi nhắc đến chồng

Chị Bùi Thị Lý, vợ thuyền viên Bùi Văn Hoài thẫn thờ nhìn 3 đứa con thơ: “Không biết những ngày tới mấy mẹ con sẽ sống ra sao? Năm ngoái, các con còn đợi bố về rồi cả nhà đi sắm Tết, dù còn nhiều thiếu thốn nhưng vui vẻ, vậy mà giờ đây...”. Tiếng thở dài cố gắng nén nỗi đau của người vợ trẻ đầy buồn bã.

Ôm tấm di ảnh của người con trai yểu mệnh, bà Nguyễn Thị Loan -mẹ của thuyền viên Nguyễn Duy Khiêm (SN 1998) ở xã An Hòa khóc: “Con ơi về ăn Tết với bố mẹ con ơi!”.

Thoát chết thần kỳ khi con tàu NA 90249 TS bị đắm, thuyền viên Hồ Vĩnh Lai không còn “mặn mà” với biển cả, anh kiên quyết không “vươn khơi” nữa. Hiện tại anh đang vay mượn để đầu tư nuôi tôm tại quê nhà. Nhìn xuống đầm tôm, anh Lai xúc động: “Hai lần chết hụt, hơn ai hết tôi hiểu những hiểm nguy trong từng cơn sóng, từng ngọn gió. Hôm đó, tôi phải chứng kiến từng người bạn thuyền, từng người anh em thân thiết buông tay rồi chìm dần vào biển mà không làm được gì. Tôi đau xót lắm”.

Ánh hoàng hôn dần buông xuống mặt biển xứ Quỳnh, từng con sóng vẫn đều đều vỗ nhẹ bình yên. Biển cả mênh mông là nguồn sống của tất cả những người dân ven miền biển nghèo nơi đây. Họ vui, buồn đều theo những nhịp sóng vỗ, Họ ộn ràng với mùa bội thu bên những con cá tươi roi rói còn lấp lánh ánh bạc.

Nhưng cũng chính biển cả cũng đã lấy đi của họ quá nhiều. Làn nước lạnh mênh mông cũng đã lấy đi của họ không biết bao nhiêu nước mắt. Biết là vươn khơi, bám biển vô cùng nguy hiểm, nhưng ở đây, với họ ngoài việc bám biển còn có nghề nào khác để mưu sinh? Năm nay, chỉ riêng trong hai vụ đắm tàu, biển khơi đã cướp đi 16 sinh mạng của Quỳnh Lưu, để lại nỗi đau vô cùng cho người thân trên bờ. Tết với họ buồn và lạnh quá!./.