Cơn bão số 2 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hệ thống giao thông các tỉnh Tây Bắc. Riêng tại Sơn La, có tới trên 500 vị trí lún sụt, sạt lở, ngập úng trên các tuyến quốc lộ và đường tỉnh, gây ách tắc, rất khó khăn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Các trận mưa lớn kéo dài trong cơn bão số 2 đã gây sạt trượt ở 4 trên 5 tuyến quốc lộ và 10 trên 18 tuyến tỉnh lộ của Sơn La. Trong đó, thiệt hại nhiều nhất là quốc lộ 279 từ huyện Quỳnh Nhai đi tỉnh Lai Châu, đoạn Cáp Na – đèo Chiến Thắng, với 57 vị trí, khối lượng sa bồi sụt trượt ước khoảng 11.000m3. Trong số này có 5 điểm sụt lớn, khối lượng trùm phủ kín nền mặt đường gây tắc đường nhiều đoạn. Riêng tuyến này ước thiệt hại về kinh tế gần 6,5 tỷ đồng.
Hệ thống đường tỉnh, thiệt hại nhiều nhất là tuyến 117 từ thành phố Sơn La đi xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, với 3 vị trí bị sạt taluy âm nền đường, vết sạt dài 40m; 11 vị trí khác bị sình lún, hư hỏng nền mặt đường. Các đơn vị đường bộ tỉnh Sơn La hiện đang tích cực triển khai các giải pháp khắc phục.
Ông Phạm Hồng Tuyến, Phó giám đốc Công ty cổ phần quản lý và xây dựng giao thông 1 tỉnh Sơn La cho biết: “Chúng tôi huy động tổng số 30 phương tiện máy móc tập trung triển khai trên tất cả các tuyến có những vị trí xung yếu. Về nhân lực, huy động nhân lực tại chỗ, toàn bộ anh em nhân công. Khi cần thiết có thể huy động thêm nhân lực lao động tại địa phương; thực hiện phương án đảm bảo giao thông 4 tại chỗ của ngành giao thông vận tải”.
Phương châm chỉ đạo trong công tác khắc phục đảm bảo giao thông của ngành giao thông vận tải tỉnh Sơn La là ưu tiên tập trung các tuyến trọng điểm, các vị trí gây ách tắc giao thông. Tập trung hót sụt, sa bồi, kè rọ thép tại các vị trí sụt ta tuy âm, đắp cấp phối tạo êm thuận mặt đường các vị trí sình lún. Đồng thời, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, rào chắn tại các vị trí sụt trượt ta luy âm.
Theo dự báo, thời tiết vẫn diễn biến phức tạp. Các vị trí sụt trượt mặc dù đã được khắc phục thông xe, nhưng chỉ là đảm bảo thông xe tạm thời. Trên tuyến vẫn đang tiếp tục sụt trượt và gây ách tắc giao thông. Do vậy, Sở Giao thông – vận tải tỉnh Sơn La tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị chủ động nhân lực, vật lực để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.
** Đến thời điểm này, hoàn lưu cơn bão số 2 đã gây thiệt hại tại tỉnh Điện Biên gần 60 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các địa phương trích ngân sách dự phòng để hỗ trợ nhân dân kịp thời khắc phục sản xuất và ổn định cuộc sống.
Tại huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên hiện nay 70 hộ gia đình bị lũ cuốn nhà cửa và di chuyển khỏi vùng nguy hiểm vẫn chưa thể khắc phục lại nhà cửa. Hệ thống điện tại 3 xã: Nà Hỳ, Vàng Đán và Nà Bủng hiện vẫn chưa khắc phục cấp điện trở lại được.
Đặc biệt, hơn 20ha lúa mùa của xã Nà Hỳ không thể khắc phục để gieo cấy lại được do khối lượng đất, cát vùi lấp lớn. Huyện Nậm Pồ đã trích ngân sách hỗ trợ trước mắt cho các nhà bị đổ hoàn toàn mỗi hộ 2 triệu đồng và hướng dẫn người dân gieo lại mạ để gieo cấy lại trên diện tích còn khắc phục được. Tuy nhiên, hôm nay tại Nậm Pồ vẫn còn mưa nên việc khắc phục thiệt hại sau lũ vẫn còn gặp khó khăn.
Theo thống kê từ Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 2 tại tỉnh lên tới gần 60 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 19 ngôi nhà bị đổ; hơn 120 nhà bị hư hỏng và ngập nước; gần 120 nhà phải di dời khẩn cấp. Mưa lũ còn làm ảnh hưởng tới hơn 1.000ha lúa ruộng, lúa nương; hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản. Nhiều công trình hạ tầng bị hư hỏng, thiệt hại khá nặng.
Tỉnh Điện Biên đang tiếp tục huy động lực lượng tại chỗ cùng với lực lượng vũ trang giúp dân thu dọn nhà cửa, di dời đến nơi an toàn; nhanh chóng tu sửa các công trình hạ tầng để phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Chỉ đạo các địa phương hỗ trợ 100% giống lúa ngắn ngày cho các diện tích trồng lúa bị thiệt hại có thể phục hồi. Đồng thời kiến nghị Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cấp kinh phí, hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả đối với các công trình giao thông, thủy lợi, lưới điện… do bão lũ gây ra.
Hiện nay, thời tiết tại Điện Biên vẫn diễn biến phức tạp. Phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống mưa lũ luôn được tỉnh nêu cao để giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại./.