Thứ trưởng BộThông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng khẳng định điều này trong buổi Họp báo công bố triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 vào chiều 31/1, tại Hà Nội. 

Xác định lộ trình chuyển sang công nghệ số

Đề án nhằm mục tiêu chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số, đồng thời giải phóng một phần tài nguyên tần số để phát triển các dịch vụ thông tin di động và vô tuyến băng rộng.

Đề án hướng đến hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát song truyền hình số mặt đất nhằm thu hút các nguồn lực xã hội; tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp.

truyenhinhso.jpg
Thứ trưởng BộThông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng: Đảm bảo lộ trình Đề án và lợi ích người dân

Theo đó, Đề án số hóa truyền hình mặt đất đặt mục tiêu tới năm 2020 sẽ phủ sóng để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư; 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau.

Theo lộ trình của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất được lựa chọn là DVB-T và các phiên bản tiếp theo (theo tiêu chuẩn truyền hình số châu Âu); áp dụng thống nhất tiêu chuẩn mã hóa hình ảnh và âm thanh MPEG-4.

Theo lộ trình dự kiến, kết thúc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để hoàn toàn chuyển sang truyền hình số mặt đất được chia làm 4 giai đoạn: Giai đoạn 1 áp dụng tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội (cũ), Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Dự kiến trước ngày 31/12/2015.

Giai đoạn 2 gồm: Hà Nội (mở rộng), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang. Dự kiến trước ngày 31/12/2016.Giai đoạn 3 gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Dự kiến trước ngày 31/12/2018.

Giai đoạn 4 là các tỉnh còn lại thuộc vùng sâu, vùng xa gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông. Dự kiến trước ngày 31/12/2020.

Đảm bảo lợi ích của người dân

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, khi ngừng phát song truyền hình tương tự, các máy thu hình hiện nay sẽ khoongthu được tín hiệu truyền hình số mặt đất và phải lắp them đầu thu hình số mặt đất. Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần để các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách mua đầu thu. Ngoài ra, các công ty sản xuất, nhập khẩu máy thu hình để sử dụng tại Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đấy vào máy thu hình theo lộ trình với từng chủng loại.

Cụ thể, kể từ ngày 1/4/2014 việc tích hợp sẽ áp dụng đối với tất cả các máy thu hình có kích thước màn hình trên 32 inch trở lên và đến 1/4/2015 sẽ áp dụng đối với tất cả máy thu hình từ 32 inch trở xuống. Không quy định bắt buộc tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất đối với máy thu hình có màn hình công nghệ CRT.

“Mặc dù giá thành đầu thu không phải là cao (ở các nước phát triển vào khoảng 30USD), nhưng thu nhập của người dân Việt Nam còn thấp nên mọi góc độ phải được tính toán kỹ để đảm bảo hoàn thành Đề án cũng như đảm bảo lợi ích của người dân”.

Ông Thắng cũng cho rằng, trong tương lai, các nhà đài cũng phải nâng cao trách nhiệm trong cung cấp dịch vụ thì mới thu hút được người dân sử dụng; giá thành đầu thu cũng như ti vi cũng sẽ giảm.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng khẳng định, các đầu thu của nhà cung cấp dịch vụ không được khóa mã với các kênh truyền hình thiết yếu và danh mục các kênh này sẽ sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể.

Còn theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, theo tính toán, một tivi khi được tích hợp đầu thu thì giá thành cũng chỉ tăng khoảng 7-10 USD nên thuận lợi hơn cho người dân, trong khi đó, chất lượng hình ảnh, âm thanh chương trình được nâng cao./.