Người đầu tiên đưa nghề sơ chế bì lợn về Thọ Đức là ông Nguyễn Hữu Vĩ. Cuối năm 2004, cơ sở sản xuất của gia đình ông Vĩ bắt đầu hoạt động, mỗi ngày thu gom khoảng 1.500kg bì lợn về sơ chế rồi xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong quá trình sản xuất, bì lợn được ngâm nước pha thuốc tẩy để tẩy trắng, làm sạch lông và lớp mỡ. Toàn bộ nước thải và chất thải độc hại được đổ trực tiếp ra rãnh cống, dồn về cuối thôn - nơi có 4 gia đình các ông, bà: Nguyễn Văn Ngọc, Ngô Văn Sự, Nguyễn Văn Liên và bà Nguyễn Thị Thụy sinh sống. Ban đầu, do chưa lường hết mức độ nguy hiểm, các hộ này để mặc nước thải chảy xuống ao, một phần khác chảy ra khu ruộng xung quanh. Tuy nhiên, nước đọng ở đâu, rau màu chết rụi ở đó, thậm chí cá trong ao nhà ông Sự cũng bị chết hàng loạt. Các hộ bị thiệt hại liền đắp tôn cao bờ vùng không cho nước thải từ nhà ông Vĩ chảy vào. Không còn đường thoát, nước thải tích tụ cuối ngõ và chảy dồn vào nhà chị Thụy, do gia đình chị ở địa thế thấp nhất. Mảnh sân trước nhà cùng khu vườn trũng của gia đình biến thành ao tù, kèm theo mùi xú uế nồng nặc từ những váng đen tích tụ của lông và mỡ lợn, ruồi, muỗi dày đặc. Nguồn nước giếng khơi cũng bị đổi màu không thể sử dụng.

Trước sự việc đó, bốn gia đình đã có đơn kiến nghị chính quyền xã Tam Đa nhưng không thấy chính quyền địa phương có biện pháp xử lý. Việc sơ chế bì lợn của gia đình ông Vĩ vẫn ngày càng mở rộng. Bốn gia đình lại tiếp tục gửi đơn kiến nghị lên UBND huyện Yên Phong và Sở Tài nguyên - Môi trường Bắc Ninh. Ngày 02/12/2004, đoàn công tác gồm cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường Bắc Ninh, Phòng Kinh tế, quản lý thị trường và Trung tâm Y tế huyện Yên Phong đã về Thọ Đức kiểm tra, lấy mẫu nước xét nghiệm. Ngay sau đó, UBND huyện Yên Phong đã ra quyết định đình chỉ việc sản xuất của gia đình ông Nguyễn Hữu Vĩ, đồng thời xử phạt hành chính 3 triệu đồng, giao cho UBND xã Tam Đa chỉ đạo thực thi.

Sau quyết định xử lý nêu trên, thay vì đình chỉ sản xuất, cơ sở sơ chế bì lợn của gia đình ông Vĩ lại được chuyển ra bờ đê sông Cầu để mở rộng quy mô, đồng thời thu hút 11 gia đình khác trong thôn cùng tham gia. Các hộ này phân chia khu vực ven sông, xây dựng lều lán sản xuất, mỗi ngày thu mua từ 4-5 tấn bì lợn ở khắp các lò mổ về sơ chế. Toàn bộ nguồn nước thải, chất thải đổ trực tiếp xuống sông Cầu, không qua bất kỳ một công đoạn xử lý nào. Vào những ngày thời tiết ẩm thấp, mưa nhiều, bì lợn tồn đọng bốc mùi nồng nặc. Các cơ sở sơ chế bì lợn ở Thọ Đức không có đăng ký kinh doanh, không giấy phép hoạt động  nhưng không hiểu sao chính quyền xã Tam Đa vẫn cho tồn tại?./.