Đã 10 tháng qua, kể từ ngày Tổng Công ty Xây dựng công trình Giao thông 4 (Cienco 4) tổ chức phương tiện, thiết bị và vật liệu thi công một số hạng mục đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, gần 140 hộ dân của 2 thôn Kỳ Long, Kỳ Lam, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam than trời vì nhà bị nứt, hư hại.

Trước đây, đường bê tông giao thông nông thôn nối từ Tỉnh lộ 609 vào 2 thôn Kỳ Long và Kỳ Lam dài hơn 1km, rộng chừng 4m. Vừa qua, chính quyền địa phương một lần nữa vận động gần 140 hộ dân ở đây hiến đất, mở rộng đường khoảng 7m. Kể từ tháng 5 năm ngoái, hàng ngày con đường bê tông này phải oằn mình gánh chịu hàng trăm lượt xe siêu trường, siêu trọng của nhà thầu Cienco 4 vận chuyển vật tư, thi công công trình cầu Kỳ Lam, hạng mục thuộc Dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi.

Do xe tải lớn chạy liên tục, nhà dân hai bên đường suốt ngày rung bần bật, tiếp đó xuất hiện những vết nứt, gãy trên tường gạch, trên dầm bê tông cốt thép. Nhiều ngôi nhà vừa xây dựng bề thế cũng chung số phận.

nha-dan-1.jpg
Người dân ngăn đường không cho đi, xe chở vật liệu công trình nằm đường mấy ngày qua

Ông Nguyễn Đình Phương, 54 tuổi, ở tổ 9, thôn Kỳ Lam bức xúc: “Xe công trình vận chuyển ở đường giao thông nông thôn mà trọng tải quá lớn, từ 60 tấn- 130 tấn chạy gây ra rung chấn làm nứt nhà dân trầm trọng ở khu vực này. Dọc tuyến đường có 139 hộ đều bị nứt nhà. Nhà cửa chúng tôi trong thời gian thi công, mà bị nứt như vậy thì phải giải quyết đền bù để tu sửa. Vì thời gian thi công còn 2,5 năm nữa, nếu tiếp tục như vậy chúng tôi không dám ở. Người dân dọc tuyến đường đã đóng 2 barie chờ giải quyết đền bù mới cho công trình thi công”.

Nhiều nhà dân ở 2 thôn Kỳ Long, Kỳ Lam, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, chằng chịt những vết nứt ngang, dọc. Nghiêm trọng hơn, những dầm bê tông và sàn bê tông cũng bị nứt gãy nghiêm trọng.

Anh Nguyễn Duy Bình chỉ vết nứt trên tường nhà mình

Ông Nguyễn Đình Trúc, 53 tuổi cho hay nhà ông vừa xây dựng năm 2011 với 800 triệu đồng, vậy mà xe công trình chạy mấy tháng làm dầm sàn và tường đều nứt gãy. Nhiều lần bà con phản ánh lên chính quyền và Ban quản lý công trình nhưng không được giải quyết. Quá bức xúc, người dân ở đây đã dựng barie bằng tre để ngăn xe qua lại. Các xe siêu trường, siêu trọng chở vật liệu thi công phải đậu rải rác dọc Tỉnh lộ ĐT 609 và trên đường bê tông liên thôn... ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình cầu Kỳ Lam.

Ông Trần Úc, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, sở dĩ nhà thầu Cienco 4 sử dụng đường dân sinh để xe siêu trường, siêu trọng lưu thông là vì qua khảo sát, nếu xây dựng đường công vụ thì phải giải tỏa trắng 23 hộ dân, vừa tốn kém lại không khả thi vì không có đất tái định cư. “Chúng tôi đã mời đơn vị tư vấn kiểm định độc lập, kiểm định để xác định mức độ thiệt hại do quá trình vận chuyển gây ra xung chấn tuyến đường này. Đơn vị kiểm định phối hợp với ĐH Bách khoa Đà Nẵng xác định khoảng cách chấn động và đánh dấu vết nứt của 139 ngôi nhà trên dọc tuyến, trong đó có 4 hộ có vết nứt lớn tại dầm, sàn, si-nô, hiên nhà”, ông Trần Úc cho biết thêm.

Ông Trần Úc, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Theo lãnh đạo huyện Điện Bàn, cơ quan này đang yêu cầu nhà thầu Cienco 4 ký quỹ hơn 3 tỷ đồng để sữa chữa nhà cửa cho dân. Sắp đến, UBND huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức họp dân để công khai lộ trình xử lý khắc phục sự cố, đồng thời vận động nhân dân tháo dỡ barie để nhà thầu tiếp tục thi công công trình cầu Kỳ Lam./.