Rêu phong gắng gượng ...

Con phố cổ kính có hình vòng cung kéo dài gần cây số tít tắp về phía chân núi. Những ngôi nhà cổ 1 và 2 tầng khoác trên mình màu xám đen của ngói âm dương cùng những bức tường đất màu vàng dạn dày sương gió như muốn khẳng định sự tồn tại của mình trước những ngôi nhà cao tầng hiện đại đan xen.

PC1.jpg

Dãy nhà cổ nối tiếp cạnh quán Cà phê Phô Cổ này đa số bị xây ki-ốt chặn trước mặt nhà

Cũng như nhiều du khách từng đến đây, bước chân của chúng tôi hướng về phía những ngôi nhà cổ.

Bà Hoàng Thị Tân (70 tuổi) - chủ nhân của một trong những ngôi nhà cổ nhất ở huyện Đồng Văn (Hà Giang) cho biết, bà đã sống từng ấy năm nhưng cũng không biết chính xác ngôi nhà mình đang ở bao nhiêu tuổi. “Từ thời cụ kỵ của tôi đều ở đây cả. Nghe các cụ kể lại thì nó phải gần 300 tuổi rồi đấy” – bà Tân vừa nói vừa phụ giúp con trai và con dâu làm bánh.

Chúng tôi hỏi: “Nhà cũ thế này còn chắc không, bà?”.

“Ôi trời! không chắc thì vẫn ở suốt mà, khi nào có mưa to, gió lớn thì không ở được, phải sang nhà khác trú. Tường yếu rồi, sợ sập lắm”, bà Tân thản nhiên đáp.

Vì không muốn làm phiền bà tiếp tục công việc, cả đoàn lại tiếp tục dong duổi để “mắt thấy tai nghe” về những thay đổi nơi con phố cổ độc đáo nơi vùng cao nguyên đá.

Sử sách ghi lại, khu vực trung tâm Đồng Văn xưa thuộc Tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Yên, tỉnh Tuyên Quang. Sau này, nó tách nhập vào châu Bảo Lạc do một thổ ty người Tày cai quản như một lãnh địa riêng.

Thời gian mới hình thành, cư dân ở khu phố này chủ yếu là người Tày và người Hoa. Đến thập niên 40-50 của thế kỷ trước có thêm người Kinh, người Dao, Giấy, Lô Lô,... chuyển đến cư ngụ.

Năm 1887, người Pháp cai trị Hà Giang và lập ra 4 khu vực tại Đồng Văn, giao cho các thổ ty người địa phương cai quản. Thời điểm đó cũng là lúc Phố cổ Đồng Văn ra đời, mang phong cách kiến trúc cổ Việt Nam - Trung Quốc rất độc đáo.

Những nét kiến trúc đặc trưng của khu phố cổ “có một không hai” miền sơn cước này ngày nay vẫn như đang “thách thức thời gian” để tồn tại qua những ngôi nhà mái lợp ngói âm dương, nền lát đá, tường trình đất.

Theo địa giới hành chính đương đại, Phổ Cổ Đồng Văn thuộc địa bàn hai thôn Quyết Tiến và Đồng Tâm, và đang có khoảng 40 ngôi nhà cổ loại trên dưới 100 tuổi.

Dọc theo phố cổ, chúng tôi ghé thăm nhà ông Lương Huy Ngò (ở thôn Quyết Tiến). Ông Ngò khoe: “Nhà này các cụ làm từ khoảng những năm cuối thế kỷ 19 cơ đấy, mấy đời ở đây rồi, mát lắm....”.

Có lẽ chẳng cần ông Ngò giải thích nhiều, chúng tôi cũng cảm nhận được “tuổi già” của ngôi nhà. Nhà 2 tầng, tường trình đất như các ngôi nhà cổ khác, mặt sàn ngăn tầng đã ọp ẹp, không còn được khít nữa nên gia đình ông dùng vải bạt căng vừa để che lỗ thủng vừa ngăn bụi. Còn các bức tường, chỗ thì nứt toác, xám ngoét, chỗ thì loang lổ giấy báo dán và màu đất.

Hối hả “tấu điệu buồn”...

Dọc đường dạo Phố Cổ, gặp đám đất ngổn ngang trình tường có dấu hiệu của ngôi nhà cổ mới phá, chúng tôi tìm đến hỏi ông Lương Triệu Đông, trưởng thôn Quyết Tiến.

Nhà cao tầng xen với nhà cổ khiến khu phố thêm nham nhở

Vừa thấy chúng tôi, ông Đông cười nói: “Lại quay phim chụp ảnh à, nhà cổ chung cảnh khổ cả thôi...”. Chúng tôi hiểu phần nào nỗi khổ mà ông nói. Bởi hầu hết các ngôi nhà cổ ở đây đều xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều nhà đã phải dùng tấm lợp fibro xi măng để “dặm” mái cho bớt dột. Tường nhà nứt nẻ, nhiều cột gỗ đang mối mọt,…

Ông Đông kể: “Mấy năm trước có cán bộ trên tỉnh về bảo bà con phải bảo tồn nhà cổ, trên sẽ hỗ trợ tiền sửa chữa cho an toàn. Nhưng mọi việc vẫn chưa thấy tiến triển gì”.

Người trưởng thôn này cũng chia sẻ, đôi lúc ông thấy buồn vì xóm làng nham nhở, mới cũ lẫn lộn. Muốn làm dịch vụ cho khách du lịch vào ở cũng không dám, vì nhà cửa ọp ẹp, nguy hiểm, công trình phụ không ra hồn, tiện nghi chẳng có gì….

Về chuyện ngôi nhà cổ bị phá cách đây vài tháng, ông bảo: “Thấy họ phá, mình tiếc lắm chứ, nhưng làm gì được nào? Nhà của người ta cũ rồi, nguy hiểm thì họ phá. Mình nói bảo tồn nhưng có giúp gì được họ đâu mà ngăn cản!”.

Ngoài những ngôi nhà cổ đã bị phá để thay thế bằng nhà tầng, bức tranh phố cổ còn “nham nhở” qua hình ảnh mới cũ lẫn lộn, thậm chí “chèn ép” nhau. Mặt đường Phố cổ nhớp nháp nước thải và phân vật nuôi vung vãi. Những chiếc ô tô tải đỗ vệ đường chắn cả luôn nét cổ,…   

Rõ ràng, bàn tay tạo dựng “thô ráp” của con người vì cuộc mưu sinh đã và đang làm mất đi không gian và nét kiến trúc độc đáo nơi đây.

Các khu vực miền núi nói chung thu hút du khách ngoài phong cảnh thiên nhiên ban tặng còn là bản sắc dân tộc vùng cao, trong đó, chợ phiên thể hiện một cách rõ nét bản sắc đó.

Đồng Văn thậm chí có nét đặc sắc riêng khi chợ phiên từ bao năm nay diễn ra trong không gian chợ cổ hình chữ U bằng đá do Pháp xây dựng khi vào chiếm đóng. Ấy vậy mà dù lên thị trấn này vào đúng dịp Chủ nhật- ngày diễn ra chợ phiên, chúng tôi cũng không có được sự trải nghiệm không gian “chợ cổ” vốn nổi tiếng từ lâu.  

Không biết vì muốn bảo tồn kiến trúc cổ hay tạo thuận lợi cho bà con kinh doanh, chính quyền nơi đây đã dời nơi họp chợ. Nhưng đối với du khách, khi được hỏi, họ đều có chung một ý kiến: Nếu chuyển hết sang chợ mới, chợ Phố Cổ chỉ còn cái xác không hồn. Bởi muốn bảo tồn chợ cổ, không thể không bảo tồn không gian văn hóa trong nó.

Ông Nguyễn Lê Huy, Trưởng Ban Quản lý chợ bất ngờ khi nghe tin chính quyền huyện Đồng Văn di dời người dân ra khỏi khu Phố cổ. Ông Huy nhìn nhận: “Công viên địa chất là hệ thống các di sản địa chất, di sản văn hoá và đa dạng sinh học trong vùng cần bảo tồn và phát huy. Chợ Phố cổ Đồng Văn là một điểm nhấn văn hoá trên vùng Công viên địa chất. Chợ vùng cao là một nét văn hoá truyền thống, là điểm giao thoa tạo nên nền văn hoá đa sắc màu và có tác dụng cổ vũ tinh thần rất lớn. Chuyển hết chợ đi là không hợp lý”.

Có lẽ, bài toán bảo tồn và phát triển không gian Phố cổ Đồng Văn đang được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Nhưng để thay đổi được suy nghĩ “khổ mới có nhà cổ” của người dân nơi đây, lẽ đương nhiên những đơn vị, cá nhân có trách nhiệm cần có giải pháp thiết thực khiến dân tin giữ cổ là… có của./.