Theo lịch nghỉ Tết mà các sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố thì Tết Nguyên đán Canh Dần này, thời gian nghỉ của học sinh kéo dài nhất từ trước đến nay, trung bình từ 11 đến 15 ngày.

Tại một số tỉnh, thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… học sinh được nghỉ từ 11 đến 13 ngày, nhưng với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang... học sinh được nghỉ Tết trong vòng 15 ngày (từ ngày 8/2 đến 22/2/2010).

Bà Đoàn Thị Hà, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Yên Bái cho biết, học sinh tỉnh này cũng sẽ được nghỉ Tết 2 tuần. Hầu hết các trường cho rằng, với thời gian nghỉ dài như vậy sẽ giúp học sinh của mình có thể vui chơi thoải mái, có tâm lý tốt khi bước vào học kỳ mới.

Tuy nhiên, kèm theo đó, nhiều Sở GD-ĐT đã đưa vào kế hoạch “nhắc nhở” trong dịp nghỉ Tết năm nay là: Tăng cường công tác tuyên truyền về việc nghiêm cấm học sinh tham gia đua xe, cờ bạc, rượu chè, hút thuốc lá, vui chơi thiếu lành mạnh. Đặc biệt, nghiêm cấm các đơn vị, trường học trực thuộc tổ chức đi chúc Tết, tặng hoa lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm các đơn vị, trường học sử dụng tiền, tài sản của nhà nước, của tập thể hoặc có nguồn từ ngân sách, từ công quỹ, từ các nguồn tài trợ để tổ chức liên hoan, chiêu đãi hoặc thưởng, biếu, cho, tặng không đúng chế độ quy định của Nhà nước; đồng thời nhắc nhở các trường quan tâm hỗ trợ học sinh cũng như cán bộ, giáo viên gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán.

Ông Nguyễn Văn Thụy, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương, còn lưu ý tất cả các trường trên địa bàn tỉnh về việc dạy - học trong thời gian trước và sau Tết. “Trước khi nghỉ Tết và khi bắt đầu đi học lại sau thời gian nghỉ Tết, cả giáo viên lẫn học sinh vẫn còn tâm lý “Tết” nên việc dạy - học ở các trường thường chểnh mảng. Năm nay, điều này đã được Sở quán triệt đến từng trường để chặn trước tư tưởng rã đám, dạy ào ào hoặc cắt xén chương trình”. Với Hải Dương, cũng như nhiều địa phương khác thì thời gian học sinh nghỉ Tết cũng trùng với thời gian gieo cấy cho vụ mùa mới.

Ông Nguyễn Văn Thụy cho biết, năm nay, Sở không đưa vào văn bản chính thức với các trường mầm non nhưng có hướng “mở” như mọi năm vẫn áp dụng là khuyến khích phụ huynh và nhà trường tự thỏa thuận để các gia đình có thể gửi con, yên tâm lo việc đồng áng. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề nan giải với các thành phố lớn, khi thời gian nghỉ Tết kéo dài (thời điểm con nghỉ, bố mẹ chưa được nghỉ; bố mẹ phải đi làm, con vẫn trong thời gian nghỉ). Các gia đình có con đang ở bậc học phổ thông cũng lo lắng với việc quản lý con như thế nào để  chúng tham gia những trò vui chơi lành mạnh.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, chủ một đại lý bánh kẹo trên đường Thái Hà (Hà Nội) cho biết, càng vào những ngày giáp Tết, hai vợ chồng chị càng bận rộn vì đông khách. Khi biết hai đứa con đều được nghỉ dài ngày, hai vợ chồng đang lo “sốt vó”, mấy hôm nay phải gọi điện khắp nơi để nhờ gửi con. “Vợ chồng tôi đang tính gửi con về nhà ông bà ngoại trông giúp, nhưng dịp này bọn trẻ đều nghỉ hết nên nhiều cháu thế không biết ông bà có xoay sở được không?” - chị Tuyết băn khoăn.

Chị Vân, cán bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, có con đang học cấp 1 cũng than thở: “Chả nhờ được ai trông con, chắc hai vợ chồng tôi  phải lên lịch luân phiên nhau nghỉ làm để ở nhà trông con, nếu bí quá thì mỗi người mang một đứa lên cơ quan, chứ cũng không biết làm thế nào nữa!”.

Theo lịch nghỉ Tết mà các sở GD-ĐT vừa công bố thì Tết Nguyên đán Canh Dần này, thời gian nghỉ của học sinh kéo dài từ thứ Hai, ngày 8/2 (25 tháng Chạp) đến thứ Hai, ngày 22/2/2010 (mồng 9 tháng Giêng).