Rằm tháng 7 hay còn gọi là ngày xá tội vong nhân, ngày lễ Vu Lan... theo tín ngưỡng dân gian là dịp quan trọng nhất trong năm để các con cháu tỏ lòng thành với tổ tiên cùng những người đã khuất.Vào ngày này, mỗi gia đình thường chuẩn bị mâm cơm chay, hay mâm ngũ quả để thắp hương. Cùng với đó, người còn sống tri ân người đã khuất bằng cách gửi biếu đồ dùng, tiền bạc bằng việc mua hàng mã để đốt sau khi hương khói xong. Chính vì thế, rằm tháng Bảy đến cũng đồng nghĩa với thị trường vàng mã vào mùa mua bán tấp nập.

nguoi%20dan%20mua%20do.jpg
Phố Hàng Mã tấp nập người mua bán, ai cũng tranh thủ sắm sửa vật dụng cho người âm
Hằng năm đến rằm tháng 7 âm lịch, những con đường chuyên bán đồ hàng mã nổi tiếng Hà Nội như phố Hàng Mã, Lương Văn Can… lại đa dạng với đủ các loại mặt hàng.

Hàng hóa cho người cõi âm không chỉ đơn giản có ngựa, quần áo, giày dép, tiền vàng... như xưa mà nay còn có cả đồ hiện đại như máy giặt, ô tô, tủ lạnh, điện thoại iPhone, nhà lầu… Nhiều người sẵn sàng chi cả bạc triệu để mua đủ bộ hàng mã cho người đã khuất. Tuy nhiên, so với những năm trước, người mua có vẻ dè dặt hơn khi lựa chọn các đồ lễ lạt.

Người mua lựa chọn những món đồ cần thiết

Dạo qua phố Hàng Mã, Hà Nội - phố chuyên cung cấp mặt hàng vàng mã, các mặt hàng rất đa dạng từ những vật dụng nhỏ nhất như đôi dép, bộ gương lược, quần áo cho đến những thứ hiện đại như ôtô, nhà lầu… được làm khá cầu kỳ, tỉ mỉ.

Giá một bộ trọn vẹn quần áo, giày dép, trang sức, đồ dùng cho người cõi âm loại thường có giá từ 35.000 – 80.000 đồng/bộ, loại cao cấp hơn có giá từ 80.000 – 130.000 đồng/bộ. Các loại ô tô, xe máy, biệt thự cao cấp đầy đủ tiện nghi bên trong có giá từ khoảng 180.000 – 250.000 đồng. Bộ đồ công nghệ Iphone, Ipad đủ tai nghe, bộ sạc có giá 150.000 đồng…

Bộ đồ áo đủ mọi chung loại, từ áo dài truyền thống cho đến sơ mi, áo vest

Chủ một cửa hàng cho biết, người sống dùng đồ gì thì hàng mã ở đây đều có hết. Giá các mặt hàng cũng phong phú, từ hàng chục cho đến hàng trăm nghìn đồng. Tùy theo mức độ cầu kỳ của sản phẩm được bán.

Theo chị Phương, người bán hàng trên phố hàng Mã, năm nay đồ mã khá phong phú với những mặt hàng theo kịp xu hướng hiện đại công nghệ số như máy điện thoại Iphone, Ipad, siêu xe Audi, Lexus... Đồ mã này đều sản xuất nhỏ gọn cho hợp với túi tiền của đại bộ phận người dân. Giá mỗi sản phẩm này từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/chiếc. NNhững mặt hàng bán chạy nhất chủ yếu là những loại thông thường như tiền âm phủ, vàng, quần áo vì có giá khá bình dân. Năm nay không có nhiều người mua các loại mã đắt tiền như mọi năm. Các chủ hàng chỉ lấy về khi có đơn đặt hàng của khách.

Đang đắn đo để tìm một món đồ vừa ý, chị Hương (Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng không nên lãng phí vào những món đồ đắt tiền. Mình cúng bái, hương khói cốt ở tấm lòng thành, nếu không thành tâm thì làm gì cũng vô ích. Đâu có phải mâm cao, cỗ đầy, lễ to thì mới bày tỏ được lòng thành kính, sự quan tâm của người sống với những người đã khuất”.

Bộ đồ dùng dành cho nam bao gồm thắt lưng, điện thoại, kính, đồng hồ... có giá 15.000 đồng

Chị Kim Anh (Xã Đàn, Đồng Đa, Hà Nội), đang lựa chọn những mặt hàng thích hợp cho mâm lễ nhà mình cũng cho rằng, không nhất thiết phải sắm lễ cao sang, cốt là ở lòng thành của con cháu với tổ tiên: “Gia đình cũng chỉ có chút ít vàng, tiền giấy, bộ quần áo, đôi dép gọi là lòng thành thôi chứ cũng không cần phải quá nhiều. Đốt nhiều quá rất lãng phí”./.

Một số hình ảnh trên phố Hàng Mã cận ngày lễ Vu Lan:

Đồ dùng của người cõi âm có đủ cả nhà lầu, ti vi

Bộ đồ trẻ em bình thường có giá 70.000 đồng, đủ cả giày dép, mũ, giá cả dao động từ 110.000 - 150.000 đồng/bộ

Đồ công nghệ Iphone, Ipad
Biệt thự với đầy đủ tiện nghi bên trong có giá 200.000 đồng
Xe SH 150 phân khối
Mặt hàng đa dạng cho người dân lựa chọn

Ngoài những phố chuyên bán hàng mã, người dân cũng có thể mua từ những gánh hàng rong

Nhiều gia đình đã làm cỗ cúng Rằm sớm...

... và đốt vàng mã cho những người đã khuất