Từ 15-16h chiều 1/4, ở các xã Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ, và một số thôn bản thuộc xã Pải Lủng và Pả Vi huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã có mưa đá, hạt đá có đường kính từ 0,5 đến 3cm, làm thủng, vỡ nhiều mái nhà của người dân.

Trước đó, đêm 31/3, mưa đá cũng gây thiệt hại nặng nề cho các huyện Trà Lĩnh, Hà Quảng, Hạ Lang và Trùng Khánh của tỉnh Cao Bằng khiến hàng trăm nhà dân bị thủng mái, nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại nặng nề.

Trận mưa đá vừa diễn ra ở Hà Giang khi có không khí lạnh tràn về (Ảnh: Dân Trí)

Tại Cao Bằng, theo thống kê ban đầu của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tỉnh: trận mưa đá đêm qua khiến hàng trăm nhà dân vỡ mái ngói, hư hại từ 30 đến 70% diện tích mái.

Nhiều diện tích hoa màu như: thuốc lá, ngô bị mưa đá làm dập, nát và gãy đổ. Trùng Khánh là huyện bị thiệt hại nặng nhất. trận mưa đá kéo dài khoảng 15 phút với những viên đá to gần bằng ấm nước hoặc quả trứng vịt làm thiệt hại nhiều nhà cửa và hoa mầu của người dân trong huyện. Toàn huyện đã có 13/20 xã, bị ảnh hưởng trận mưa đá.

Ngay sau khi mưa đá xảy ra, lãnh đạo huyện cùng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão các huyện đã có mặt tại hiện trường thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại và chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương huy động lực lượng hỗ trợ giúp người dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống.

Ông La Văn Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trùng Khánh cho biết, thời điểm này hàng năm thường xuất hiện mưa đá nhưng đây là trận mưa đá lớn nhất trong hàng chục năm qua.

“Hiện nay các đoàn công tác của huyện, xã cũng đang kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại. Một số bà con đã khắc phục, mua các tấm lợp về che tạm. Trên miền núi, nhà dân thường lợp ngói đất nên cứ gặp mưa đá là bị thiệt hại. Chúng tôi cũng tuyên truyền khi có hiện tượng mưa đá đề nghị bà con lưu ý đảm bảo an toàn cho người, còn thực tế thiên tai, đặc biệt là hiện tượng mưa đá cũng là bất khả kháng”, ông Hồng nói./.