Tỉnh Quảng Nam có 3 người chết. Các tỉnh Thừa Thiên Huế- Quảng Ngãi mỗi tỉnh 2 người chết, tỉnh Quảng Bình 1 người chết. Các địa phương tiếp tục chủ động phương án đảm bảo an toàn tính mạng của người dân.

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết: Tính đến chiều ngày 10/11, toàn tỉnh đã có 1 người chết, là ông Phạm Thanh Tương, sinh năm 1962, tổ dân phố 14, phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới khi đang gia cố nhà cửa. Cả tỉnh có 20 người bị thương trong khi chằng chống nhà cửa và chặt tỉa cây cối phòng tránh bão, trong đó huyện Quảng Trạch có 9 người bị thương. Cơn bão trước đã đánh sập toàn bộ đoạn đê kè ở thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, vì vậy, mặc dù bão số 14 không đổ bộ vào tỉnh Quảng Bình, nhưng một số nhà dân tiềm ẩn nguy cơ bị sóng biển cuốn trôi. Mặc dù chính quyền địa phương cùng người dân dùng bao cát và đá bảo vệ kè, hạn chế nước biển xâm thực, nhưng cũng không chịu nổi trước những đợt sóng dữ.

Ông Nguyễn Văn Tư, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Xã phát bao để về chống sạt lở, vì bão liên tục, sạt liên tục. Mới 2 tháng mà liên tục 3 cơn bão cho nên dân rất lo sợ”.

Tại tỉnh Quảng Trị có mưa vừa và mưa to, vì vậy, chính quyền tỉnh này chủ động sơ tán dân khỏi các vùng ngập úng, nơi thường xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Trong số 130 hồ thủy lợi, phần lớn đã đầy nước, các hồ lớn đều xả lũ. Theo Công ty Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Quảng Trị, qua kiểm tra, đơn vị đã phát hiện có hiện tượng thấm nước rất đáng ngại trên các thân đập hồ Bảo Đài, Trúc Kinh, Kinh Môn.

Ông Trần Ngọc Lanh, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho hay: “Tâm lý bão không vào cho nên bà con còn chủ quan. Vì vậy, BCH phòng chống lụt bão, vì vậy chúng tôi tuyên truyền để cho bà con biết tình hình lũ có thể xảy ra. Và phương án là 4 tại chỗ để đề phòng lũ, lụt”./.