Ngày 8/6, ông Phan Trọng Trịnh, Trưởng phòng địa động lực Viện Địa chất, Chủ tịch Hội kiến tạo Việt Nam đã cùng đoàn nghiên cứu của Viện Địa lý tài nguyên TP HCM tiến hành khảo sát thực địa hiện tượng nứt đất ở thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.

Theo các cơ quan chức năng, hiện tại khu phố 1, thị trấn Di Linh, tỉnh Lâm Đồng xuất hiện thêm nhiều vết nứt mới, lan rộng sang bên kia Quốc lộ 20, nâng số hộ bị ảnh hưởng từ 16 lên 25, trong đó có 10 gia đình nằm trong vùng tâm nứt vô cùng nguy hiểm. Hiện UBND huyện Di Linh đã và đang tiến hành hỗ trợ mỗi hộ từ 3 đến 5 triệu đồng để thực hiện di dời ra khỏi khu vực này. Khảo sát thực địa cho thấy, các vết nứt đất lúc đầu không xuất hiện thành một đường thẳng, dài mà rạn nứt bề mặt dạng chân chim, sau đó vết nứt phát triển thành các đường nứt lớn và kéo dài. Các đường nứt đất hầu hết kéo dài song song với sườn đồi.

Theo kết luận của các nhà khoa học, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nứt đất ở Di Linh là do các yếu tố ngoại sinh gây ra, và đang trong quá trình khởi đầu của hoạt động trượt đất, tiếp tục hoạt đông mạnh và mở rộng quy mô nứt đất. Cụ thể, do cấu tạo sườn dốc, vách suối dốc chưa ổn định về mặt động lực học đã tạo ra một thế năng tiềm tàng cho hoạt động nứt và trượt đất. Nước mưa cũng là yếu tố quan trọng góp phần gây nứt và trượt đất tại địa điểm này.

Ông Phan Trọng Trịnh, Trưởng phòng địa động lực Viện Địa chất, Chủ tịch Hội kiến tạo Việt Nam, nói: “Hiện tượng này là trượt đất và có rất nhiều nguyên nhân đi kèm: Một là, độ dốc chênh lệch, ở đây có những chỗ tới 40 đến 50 độ; Hai là, vấn đề lớp phủ của bazan quá dày; Ba là, đất bazan có tính chất cơ lý đặc thù, khi khô thì co ngót rất lớn nhưng khi có nước vào thì nở rất mạnh. Việc nghiên cứu cần phải tiếp tục. Công cụ tối ưu nhất là khoan lấy mẫu để xác định cơ lý, đồng thời vẽ cho được chi tiết khối chuyển này”./.