Một tháng sau khi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) có hiệu lực, tuy nhiên, theo quan sát của PV, tại hầu hết các điểm cấm, hạn chế hút thuốc, tình trạng hút thuốc vẫn diễn ra tràn lan, thậm chí ở cả những nơi ảnh hưởng sức khỏe nhiều nhất như bệnh viện.
Đốt thuốc trên từng cây số
Tại bệnh viện K (Hà Nội) vào chiều 30/5, nơi có lưu lượng người đổ về khá đông để khám chữa bệnh nhưng vẫn không hiếm gặp hình ảnh người dân vô tư nhả khói tại nơi công cộng. Ngay từ cổng vào bệnh viện, mặc dù bệnh viện đã giăng đầy băng rôn, biển cấm kêu gọi “không hút thuốc lá”, thế nhưng nhiều tài xế xe ôm vừa phì phèo điếu thuốc, vừa chèo kéo mời chào khách. Mặc cho nhiều người dân đứng bên cạnh phải bịt mũi, khoát tay tỏ ý khó chịu.
Ngay cổng bệnh K, không ít người vẫn vô tư "nhả" khói |
Lên chăm nuôi người nhà đang nằm điều trị tại bệnh viện, ông K. (Yên Bái) vẫn kẹp điếu thuốc lá trên tay ngay giữa khu vực bệnh nhân chờ thanh toán viện phí. Khi hỏi về quy định cấm hút thuốc lá nơi khuôn viên bệnh viện, ông K. nói rành rẽ từng mức xử phạt. Tuy nhiên, dù biết sẽ bị phạt nhưng ông K. vẫn nêu lý do: “Nhiều lúc ngồi buồn, chẳng làm gì lại nhớ đến điếu thuốc nên chạy ra đây hít một điếu cho đỡ thèm”.
Không chỉ người nhà bệnh nhân, PV còn bắt gặp không ít bệnh nhân cũng tranh thủ chạy ra mấy hàng nước ngay cổng bệnh viện để hút thuốc. Nhiều bệnh nhân sau khi nghe quy định cấm hút thuốc lá đã chuyển sang hút thuốc lào, với lý do “hút thuốc lào sẽ không phạm luật”!. Thậm chí, khi đề cập đến việc hút thuốc lá, hoặc thuốc lào đều có hại cho sức khỏe người hút lẫn người hít khói thuốc, nhưng nhiều người vẫn mơ hồ cho rằng đó là thói quen hàng ngày nên khó bỏ, hay “hút cả chục năm nay rồi có sao đâu”.
Mặc dù mới phát hiện u phổi và đang phải nằm điều trị tại bệnh K, nhưng ông T.T.Q (64 tuổi – trú tại huyện Quỳnh Phụ- Thái Bình) vẫn không bỏ được thói quen hút thuốc lào. Ông bắt đầu hút thuốc từ năm 18 tuổi, đến nay cũng đã ngót nghét hơn 45 năm. Tuy nhiên, dù biết đây là một thói quen không tốt cho sức khỏe và cho nhiều người xung quanh, nhưng ông Q. vẫn chưa từng có ý định bỏ thuốc, ngay cả khi vào bệnh viện điều trị bệnh phổi. Nói về điều này, ông lý giải: “bây giờ cũng đã có tuổi rồi, có bệnh cũng là chuyện đương nhiên. Nhiều lúc ngồi buồn, tôi lại chạy ra đầu cổng uống nước chè, tiện điếu cày ở đấy lại “bắn” vài điếu cho đỡ thèm. Có ngày tôi cũng “làm” được 5 -6 điếu”.
Bệnh viện Nhi Trung ương, ngay tại hành lang, khuôn viên bệnh viện, phụ huynh vẫn vô tư nhả khói. Điều đáng nói là việc tồn tại của tấm bảng “cấm hút thuốc lá” dường như không mấy tác dụng. Có ông bố vừa nhìn con đứng chơi, vừa hít thuốc rồi nhả khói trắng xóa ngay bên cạnh. Nhiều người khi hỏi thản nhiên chỉ vào nhiều người xung quanh cũng đang phì phèo điếu thuốc: “Chỉ những lúc thèm quá tôi lại chạy ra ngoài hành lang hút chứ có hút trong nhà đâu. Có nhiều người vẫn đang hút đấy, chứ không riêng mình tôi”.
Nhiều phụ huynh đốt thuốc ngay trong khuôn viên bệnh viện Nhi Trung ương |
Theo lý giải của những người nghiện thuốc, thuốc lá, thuốc lào đã trở thành một thói quen khó bỏ, thậm chí đã gắn bó hàng chục năm. Dù biết đây là một hành động không tốt và ủng hộ luật phòng chống tác hại thuốc lá, tuy nhiên, để loại trừ được thói quen này cũng không đơn giản chỉ một sớm một chiều.
Nhiều khó khăn trong công tác xử phạt
Mới đây, tại hội nghị thúc đẩy triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức, trả lời chất vấn của đại biểu về trách nhiệm xử phạt người vi phạm, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, rất nhiều đơn vị có trách nhiệm xử phạt hành vi hút thuốc tại địa điểm cấm hút thuốc lá. Ở địa phương, chủ tịch UBND các cấp sẽ có trách nhiệm xử phạt; ở cấp bộ, ngành thì công chức, thanh tra thực thi nhiệm vụ có liên quan đều có thể lập biên bản rồi chuyển những vi phạm này về cơ quan có thẩm quyền xử phạt. Tuy có rất nhiều đầu mối xử phạt hành vi hút thuốc lá song thanh tra Bộ Y tế sẽ là đầu mối đảm nhận vai trò dẫn dắt và có kế hoạch xử phạt những hành vi hút thuốc lá.
Mặc dù đã có quy định rõ ràng về người có thẩm quyền xử phạt hành vi thuốc lá, nhưng ông Quang cũng thừa nhận, đội ngũ thanh tra Bộ Y tế vẫn chưa làm tốt chức năng xử phạt của mình dù luật đã chính thức có hiệu lực.
Trao đổi về việc xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, báo Đại đoàn kết dẫn lời ông Nguyễn Huy Quang cho hay, hiện nay công tác này đang gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, địa điểm hút thuốc trên phạm vi rộng, đối tượng hút nhiều. Trong khi lực lượng xử lý theo Luật chỉ có mấy chức danh như: Thanh tra Bộ Y tế, công chức làm công tác thanh tra ở Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Quản lý môi trường y tế, Thanh tra Sở Y tế, công an, quản lý thị trường, chủ tịch UBND các cấp. Tuy nhiên, lực lượng này không chỉ làm mỗi việc xử phạt người vi phạm hút thuốc lá mà còn rất nhiều việc khác.
Để luật phòng chống tác hại thuốc lá đi vào thực tiễn cuộc sống rất cần sự vào cuộc nỗ lực của chính quyền, các ngành chức năng và hơn hết vẫn cần sự tự giác bỏ thói quen thuốc lá của mỗi người dân./.
Luật phòng chống tác hại thuốc lá quy định:
Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn, gồm: Cơ sở y tế, cơ sở giáo dục (trừ trường cao đẳng, đại học, học viện); cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng, phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.
Theo đó, cảnh cảo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; bỏ tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.
Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: không bố trí treo biển có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá; để xảy ra hành vi hút thuốc lá tại địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá do mình quản lý, điều hành…