Đến chiều nay (18/11), mặc dù đã thông 1 làn đường nhưng Quốc lộ 19 đoạn qua đèo An Khê, giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định vẫn còn 20 điểm sạt lở. Trong khi đó, nhiều khu vực khác tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh vẫn bị cô lập do đường bị sạt lở chưa khắc phục xong. 

sat-lo-deoankhe.jpg
Đỉnh đèo An Khê, đoạn cuối địa phận tỉnh Bình Định chỉ kéo dài chừng 3 km nhưng đã có đến 20 điểm sạt lở, đa phần là các điểm sạt lở taluy âm. Nước lũ từ trên sườn núi đổ xuống, làm sạt lở, đất đá sụt lún tạo thành những hàm ếch phía dưới mặt đường, nhiều đoạn chỉ còn 1 nửa đường. Sau nhiều ngày mưa, mặt đất sũng nước, nhiều mạch nước từ trong lòng núi tiếp tục tuôn ra, nhiều vết nứt đã xuất hiện,  nguy cơ tiếp tục sạt lở hết mặt đường diễn ra. Trong khi mưa lũ chia cắt, việc đưa các phương tiện và nhân lực từ tỉnh Bình Định lên gặp khó khăn, khu quản lý đường bộ 5 phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã điều động lực lượng 15 xe tải, máy xúc cùng 50 công nhân của Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ Gia Lai để thi công liên tục 24/24 giờ. Lực lượng Cảnh sát giao thông Gia Lai tiến hành phân luồng, hướng dẫn các phương tiện đi đúng làn đường chưa bị sạt lở để đảm bảo an toàn.
Sạt lở ở đèo An Khê
Ông Dương Văn Nguyên, Cán bộ Văn phòng hiện trường, Khu quản lý đường bộ 5 cho biết: "Thông xe bảo đam giao thông bước 1, thông xe 1 làn, tuyệt đối không để tắc xe. Tiếp theo xử lý bằng kè rọ thép các chỗ sạt lở taluy. Khó khăn là phải làm đêm, cắt cử người đảm bảo giao thông, khi sạt lở phải thông báo ngay".

Đến chiều nay (18/11), nhiều thôn, xã ở phía bên kia sông Côn, huyện Vĩnh Thạnh vẫn đang bị cô lập khiến việc cứu trợ gặp khó khăn. Riêng tuyến đường vào xã Vĩnh Sơn và xã Vĩnh Kim đã có 22 điểm sạt lở, với khối lượng 500.000 m3, kéo dài 7 cây số. Ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định cho biết: "Chúng tôi chỉ đạo các doanh nghiệp đang thi công trên các tuyến đường, các công trình thủy điện tập trung làm việc khẩn trương".

Khắc phục đường 19 đoạn qua đèo An Khê
     Ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định cho biết đợt mưa lũ vừa qua 2 tuyến đường nối Bình Định với bên ngoài là Quốc lộ 1 và Quốc lộ 19 bị ách tắc. Nhiều tuyến đường tỉnh lộ bị sạt lở taluy, cầu bị đứt như ĐT 637, ĐT 638, ĐT 629.  Một số cầu nông thôn bị cuốn trôi nhưng chưa thể thống kê được. Hiện nay, nhiệm vụ trọng tâm của Bình Định là khắc phục đường giao thông để đảm bảo việc đi lại bình thường của nhân dân. "Chúng tôi tập trung bảo đảm cho dân không bị đói, bị rét. Khi nước đã rút, chúng tôi rất quan tâm đến khắc phục hạ tầng giao thông để bảo đảm đi lại của dân. Đối với những đường của Trung ương, chúng tôi đã có văn bản khẩn gửi Bộ giao thông vận tải phải có trách nhiệm cùng với tỉnh khắc phục nhanh. Các tuyến đường tỉnh lộ, đường huyện thì sử dụng nguồn dự phòng ngân sách của tỉnh để khắc phục các sự cố"- Ông Dũng nói./.