Vụ việc hai bảo mẫu ở cơ sở mầm non tư thục Phương Anh, thành phố Hồ Chí Minh hành hạ nhiều cháu bé được gửi tại cơ sở này đã khiến dư luận vô cùng đau xót, căm phẫn. Những em bé còn non nớt, vô tội chưa đủ khả năng để có thể tự bảo vệ mình, phải nhờ vào bàn tay chăm sóc của các cô bảo mẫu, người được coi là “mẹ thứ hai” của chúng lại bị chính những người này đang tâm hành hạ.

Vụ việc càng khiến dư luận bức xúc hơn bởi Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý không phải là những người ít học, ít hiểu biết, họ đã được lựa chọn để đào tạo trở thành những người chăm sóc, nâng đỡ, giáo dục các em ở giai đoạn đầu còn chập chững, non nớt.

ba-tre-em.jpg
Bà Ninh Thị Hồng, Trưởng ban Kiểm tra Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam (ảnh: Thanh Hà)

Không phải đến bây giờ, những vụ việc đau lòng như thế này mới xảy ra, mà mới đây, dư luận chưa hết sửng sốt về hành động vô nhân tính của Hồ Ngọc Nhờ làm bé trai 18 tháng tuổi thiệt mạng, rồi “bảo mẫu” Quảng Thị Kim Hoa ở Biên Hòa (Đồng Nai) cũng hành hạ, đánh đập dã man các em nhỏ….

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ bạo hành trẻ em thời gian qua, bà Ninh Thị Hồng, Trưởng ban Kiểm tra Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là do đạo đức xuống cấp. “Trong chiến tranh, đất nước nghèo khó, thiếu thốn, trẻ em được sơ tán về những vùng quê, ở đó các em được người dân sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, trông nom, chăm sóc. Con người ta khi đó sống với nhau bằng tình thương người thực sự. Còn trong thời nay, khi đất nước đã bắt đầu phát triển, con người có nhiều điều kiện để chăm sóc, giúp đỡ nhau hơn, được học hành, hiểu biết nhiều hơn thì người ta lại đối xử với nhau vô cùng tàn bạo. Dù với bất cứ lý do gì, như lời của Phương và Lý khai báo với cơ quan công an, là để các em ngoan hơn, chịu nghe lời hơn, thì việc chăm sóc, giáo dục các em bằng bạo lực là không thể chấp nhận, nó để lại những ảnh hưởng xấu tới tâm sinh lý cũng như quá trình phát triển của các em sau này. Có chắc rằng liệu sau này khi các em lớn lên, các em sẽ không sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề; liệu các em có thể phát triển bình thường hay trở nên rụt rè, nhút nhát”- Bà Hồng nói.

Việc giáo dục nhân cách con người đang bị buông lỏng

Theo bà Ninh Thị Hồng, đạo đức xã hội xuống cấp chỉ có một lý giải duy nhất đó là vấn đề giáo dục nhân cách con người ngay từ trong gia đình, nhà trường và xã hội đã không được quan tâm đúng mức, hay nói một cách khác là đang bị buông lỏng, không được coi trọng. Chưa kể, các bảo mẫu Phương và Lý lại làm việc trong một môi trường mà “họ là nhất”, không ai quản lý, giám sát, không ai nhắc nhở họ về đạo đức.

Bảo mẫu ở nhà trẻ Phương Anh "chăm sóc" trẻ bằng những hành động vô nhân tính (ảnh: Tuổi trẻ)

Bà Hồng nhấn mạnh “việc để cho một cơ sở mầm non không phép được tồn tại và hoạt động dù đã từng bị UBND phường yêu cầu dừng hoạt động là việc làm không thể chấp nhận. Sự buông lỏng quản lý của cơ quan Nhà nước, sự thiếu quan tâm, sát sao giám sát của các cơ quan chính quyền trong vụ việc này, vô hình chung đã “tiếp tay” cho những hành vi dã man của các cô bảo mẫu. Giá như các cấp chính quyền ở cơ sở tận tâm với công việc hơn, giám sát chặt chẽ việc thi hành quyết định đối với cơ sở mầm non này, các cháu bé đã tránh được những khoảnh khắc tồi tệ như vậy, nó có thể ám ảnh tâm trí các em về lâu dài”.Bà Ninh Thị Hồng cũng nêu một thực tế đang diễn ra đó là việc thiếu trầm trọng các cơ sở giáo dục mầm non công lập trong khi nhu cầu về cơ sở và giáo viên mầm non ngày càng tăng mới có thể đáp ứng con số hơn 1 triệu trẻ em ra đời mỗi năm. Trong khi quỹ đất dành cho việc xây dựng trường lớp thì thiếu, quỹ đất dành cho những dự án đầu tư thương mại, sân golf… lại quá nhiều. “Thực tế này đã tồn tại và khiến dư luận lên tiếng, nhưng không biết Nhà nước, Quốc hội đã có ý kiến dành quỹ đất để xây trường hay chưa?”- Bà Hồng nêu câu hỏi.

Phải xử nghiêm cả những người liên đới trách nhiệm

Việc thiếu trầm trọng các cơ sở giáo dục mầm non công lập cũng chính là lý do buộc bố mẹ các em, đại bộ phận là dân lao động nghèo, dân di cư kiếm sống phải gửi con vào các cơ sở tư thục. Và nếu không có sự quan tâm tìm hiểu cụ thể về trường lớp, cô giáo, việc họ giao tính mạng con mình vào tay những “cô hổ mẫu” là điều khó tránh khỏi. “Bản thân gia đình, bố mẹ các em cũng cần dành thời gian để quan tâm đến trẻ nhiều hơn, tìm hiểu vì sao trẻ sợ đến lớp để kịp thời can thiệp, ngăn chặn những hậu quả xấu xảy ra với con mình”, bà Hồng khuyến cáo.

Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý tại cơ quan điều tra
Những vụ việc của Hồ Ngọc Nhờ, Quảng Thị Kim Hoa và của Phương, của Lý mới đây đều là những vụ việc đã rồi, bà Hồng cho rằng không thể vì sự đã rồi mà có sự giải quyết nương nhẹ, phải xử lý nghiêm cả những người đã gây ra hành vi tàn ác và những người liên đới trách nhiệm để xảy ra vụ việc. Việc bạo hành xảy ra ở người lớn, những người đã trưởng thành, ổn định về tâm sinh lý sẽ không nghiêm trọng bằng xảy ra ở những đứa trẻ vẫn còn non nớt, đang ở độ tuổi nhận biết, tiếp thu cái xấu, cái tốt. Các em khó có thể trở thành những hạt nhân tốt của xã hội nếu bị ảnh hưởng bởi cái xấu, bạo lực ngay từ tấm bé.

Năm 2014, Quốc hội sẽ xem xét, sửa đổi Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Hy vọng, từ những vụ việc đáng tiếc xảy ra thời gian qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam sẽ có những ý kiến đóng góp xác đáng vào văn bản Luật tạo cơ sở pháp lý vững chắc để ngăn chặn những vụ bạo hành đối với trẻ em tiếp diễn./.