Hơn nửa tháng trôi qua, nhưng ngư dân Ngô Ngọc Trung ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa hết bần thần về khoảnh khắc kinh hoàng mà anh và các bạn thuyền thoát chết trong gang tấc. Vụ việc xảy ra vào trưa 2/3, khi tàu cá QNg 92408-TS đang đánh bắt tại vùng biển đảo Bạch Long Vỹ thì bình ga trên tàu phát nổ, khiến tàu bị chìm, thuyền trưởng bị chết và 6 thuyền viên bị thương.
Anh Ngô Ngọc Trung chưa hết bàng hoàng sau vụ nổ bình ga trên tàu tại vùng biển đảo Bạch Long Vỹ |
Anh Trung kể lại: “Trên tàu lúc đó, anh em đang làm lưới ở phía trước thì ngửi thấy mùi ga. Anh Đức (thuyền trưởng) hạ ga xuống nhưng máy không chịu tắt mà bốc nổ lên, khói cuồn cuộn. Sau đó là 1 tiếng nổ lớn và anh em trên tàu không biết gì nữa. Có chiếc ghe nhỏ bên cạnh tới vớt chúng tôi, đưa thẳng về đảo Bạch Long Vỹ”.
Theo anh Trung, trước đó các thuyền viên không được tập huấn về phòng cháy chữa cháy. Trên tàu cũng không có phương tiện phòng chống cháy nổ mà chỉ có mấy ống hút nước để rửa cá.
Những vỏ bình ga còn sót lại sau một vụ cháy tàu cá ở Quảng Ngãi |
Hầu hết các vụ tai nạn, cháy nổ trên biển đều xuất phát từ nguyên nhân lơ là chủ quan của ngư dân và chủ tàu. Mỗi chuyến đi biển kéo dài hàng tháng, mỗi tàu thường mang theo từ 2 đến 3 bình ga và hàng ngàn lít dầu diezen. Vị trí đặt bình ga thường trong khoang máy, có khi đặt cạnh các thùng chứa nhiên liệu.
Bếp nấu ăn rong khoang tàu |
Thượng tá Lê Xuân Hưng, Phó Trưởng phòng PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, theo qui định thì các bình ga không được để gần nhiên liệu. Bởi khoang tàu chật chội, nên khi khí ga bị rò rỉ rất dễ xảy ra cháy nổ.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành kiểm tra tất cả các phương tiện đường thuỷ . Qua đó sẽ hướng dẫn các chủ tàu và thuyền viên phải chấp hành đúng những nội quy về PCCC. Bởi vì ở ngoài biển, khi xảy ra cháy thì không có phương tiện gì cứu chữa cả, rất nguy hiểm và thiệt hại lớn”, ông Hưng nhấn mạnh.
Theo ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, mặc dù đã có quy định bắt buộc, nhưng đa số các phương tiện đánh bắt xa bờ đều không trang bị đầy đủ các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và an toàn vệ sinh lao động. Khi đánh bắt xa bờ, do sóng to, gió lớn, tàu thuyền thường bị chao đảo nên rất dễ xảy ra va đập làm rò rỉ nhiên liệu, gây cháy nổ và tai nạn trên biển.
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ cháy tàu ở Lý Sơn vừa qua |
Ông Hoàng nói: “Không chỉ có trang thiết bị phục vụ sản xuất, mà những trang thiết bị sinh hoạt trên tàu trong những điều kiện đặc biệt cũng cần phải được kiểm tra, đánh giá. Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị với cơ quan chức năng đưa ra những quy định cụ thể”.
Chỉ tính riêng trong 3 năm trở lại đây, tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra 5 vụ cháy nổ trên tàu cá, khiến 2 người chết, 10 người bị thương và 5 tàu bị thiêu rụi, thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Nghề biển luôn đối mặt với nhiều rủi ro, để giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc xảy ra, ngư dân cần được trang bị thêm những kiến thức, kinh nghiệm về an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trên tàu cá./.