Hôm nay (20/4), các báo đồng loạt đưa tin một cháu bé 8 tuổi tử vong ở bệnh viện Nhi Trung ương là do nhiễm độc chì với nồng độ cao.

Bệnh nhi này là cháu Nguyễn Thị Ngọc H. (8 tháng tuổi, ở Hà Nội) được chuyển tới BV Nhi Trung ương đã ở trong trạng thái co giật, hôn mê và được điều trị cấp cứu. Dù được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa, nhưng cháu đã không qua khỏi sau 1 ngày nhập viện.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định, cháu bé tử vong không phải do nhiễm độc chì, mà nguyên nhân gây tử vong là do cháu bị viêm màng não.

Ông Điển cho biết, cách đây 2 tuần, cháu bé này được gia đình cho uống thuốc cam và khi xét nghiệm tại bệnh Viện Nhi Trung ương thì nồng độ chì trong người cháu bé khá cao, lên tới hơn 200microgam/ 100ml, tức là gấp 10 lần hàm lượng cho phép. Tuy nhiên, TS  Trần Minh Điển khẳng định, đây không phải là nguyên nhân gây tử vong cháu bé.

Trong thời gian ở đây, nhiều bậc cha mẹ rất lo lắng vì có nhiều vụ ngộ độc chì ở trẻ nhỏ do dùng thuốc cam. Theo thống kê, từ tháng 11/2011 đến tháng 4/2012, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 130 trường hợp khám do ngộ độc chì, trong đó có 121 trẻ em. Trong số 117 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm, thì có 56 trường hợp có chì máu rất cao, trên 20mcg/dL đang được điều trị thải độc.

Theo các chuyên gia y tế, chì là chất cực độc, rất nguy hiểm, nhất là đối với trẻ nhỏ. Khi bị ngộ chì, trẻ có biểu hiện đau bụng, thiếu máu, suy thận, liệt chi, liệt mắt, sau đó co giật từng cơn… Thậm chí, nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể bị tử vong. Trẻ bị ngộ độc chì sẽ có những ảnh hưởng tới thể chất và trí não, có khi điều trị lâu dài cũng khó có thể hồi phục./.