Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, trên địa bàn các tỉnh Hà Nam, Vĩnh Phúc đã xuất hiện sự cố sạt lở đê, kè.

** Những ngày qua, lũ trên sông Đáy đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Hà Nam lên nhanh, có thời điểm xấp xỉ mức báo động 3. Nước lũ lên nhanh kết hợp mưa to làm nhiều đoạn đê tả sông Đáy đoạn qua huyện Thanh Liêm, Kim Bảng và thành phố Phủ Lý bị sạt trượt mái đê với chiều dài từ 10 – 25m. Tỉnh Hà Nam đã huy động lực lượng đóng cừ tre giữ chân đê, đắp bao tải đất bao xung quanh phòng tránh sạt trượt.

Ông Nguyễn Quốc Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết, tuyến đê sông Đáy chảy qua địa bàn tỉnh hiện còn nhiều điểm có nguy cơ sạt trượt, gần một nửa chiều dài đê chưa có tre chắn sóng.Sở phối hợp với các địa phương triển khai biện pháp phòng chống, nhất là khi lũ sông Đáy đang ở mức cao và khả năng bão số 7 sẽ ảnh hưởng đến nước ta, gây mưa lớn trong những ngày tới.

** Để cứu hơn 7.000ha lúa và hoa màu bị ngập úng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, các công ty thủy nông ở Vĩnh Phúc đã huy động tất cả các trạm bơm tiêu chống úng. Đối với các công trình giao thông, hệ thống đê kè ở các huyện Tam Đảo, Bình Xuyên... bị hư hỏng nặng, tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động gần 1.000 chiến sỹ quân đội, công an, dân quân tự vệ đến tham gia khắc phục.

Riêng tại huyện Tam Đảo, nhằm khắc phục nhanh chóng sự cố vỡ đập Phân Lân, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện đã yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ; đồng thời huy động lực lượng tại chỗ đến giúp đỡ người dân bị thiệt hại do mưa, bão sớm trở lại sản xuất, ổn định cuộc sống./.