Cứ vào Chủ nhật hàng tuần, bà Trần Thị Nguyện ở tổ 25, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng lại sửa soạn bữa ăn tươi cho đại gia đình.
Mấy tháng nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, con cháu không tề tựu đông đủ nhưng bà vẫn giữ nếp sinh hoạt vốn có. Bà bảo, bữa cơm gia đình ngày Chủ nhật không đơn thuần để mọi người cùng thưởng thức những món ngon mà còn là dịp con cháu, dâu, rể sum tụ, gắn kết yêu thương.
Bà Nguyện có 3 người con, 2 gái, 1 trai, tất cả đều đã lập gia đình, con cháu đông đủ. Hiện 2 vợ chồng bà sống cùng gia đình người con trai út. Cuộc sống của 3 thế hệ dưới 1 mái nhà luôn ấm êm. Bà Nguyện trải lòng, mỗi thế hệ có cách nghĩ, lối sống riêng nhưng mình cứ sống bằng cả tấm lòng yêu quý con cháu, thương con dâu như con đẻ thì cả nhà sẽ trong ấm, ngoài êm.
"Hai vợ chồng về hưu rồi, dịch dã, cuộc sống đảo lộn nên chúng tôi vất vả hơn. 2 năm nay, các cháu không có việc làm nên ở nhà ông bà nuôi. Từ xưa đến giờ, các cụ hay nói mẹ chồng nàng dâu. Tôi không nghĩ mẹ đẻ hay mẹ chồng, miễn làm sao mình cứ thương yêu, thông cảm và bảo ban các cháu như con mình thì các cháu thấy đấy là tấm gương sáng để học theo", bà Nguyện bộc bạch.
Chị Trần Thị Vinh ngày về làm dâu nhà bà Nguyện chưa biết gì chuyện bếp núc. Bây giờ, chị có thể quán xuyến mọi chuyện trong nhà. Trước đây, công việc của 2 vợ chồng chị Vinh khá bận rộn, thường xuyên đi làm ca, 2 đứa con nhỏ nhờ ông bà nội trông nom. Những ngày nghỉ cuối tuần hay dịp lễ, tết, chị luôn dành cho gia đình.
Từ ngày xảy ra dịch Covid-19, người thì mất việc làm, người kinh doanh ế ẩm, cuộc sống gia đình chị lâm cảnh khó khăn. Chuyện cơm, áo, gạo tiền của cả nhà 6 người, vợ chồng chị lại trông chờ vào đồng lương hưu của bố, mẹ chồng.
Chị Trần Thị Vinh tâm sự: "Mình có thương yêu ba mẹ thì ba mẹ thương yêu lại mình. Hai vợ chồng làm nghề dịch vụ, khi dịch Covid xảy ra, 2 vợ chồng không có việc làm. Gần 2 năm nay, thu nhập của chúng tôi gần như không có. Cuộc sống có nhiều khoản chi tiêu, nhưng nhờ sống chung cùng ông bà, chúng tôi được ông bà đỡ đần rất nhiều".
Đại dịch Covid-19 đã đẩy hàng triệu gia đình rơi vào cảnh khốn khó. Cả nhà chị X. ở quận Thanh Khê, thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn. Chị X. từng là công nhân may, mấy năm trước chị mắc bệnh nên phải nghỉ làm. Cả gia đình 5 người trông chờ vào khoản tiền chạy xe taxi của chồng.
Từ năm ngoái đến nay, ảnh hưởng dịch Covid-19, công việc không ổn định, khiến anh thường xuyên bực dọc, to tiếng với vợ con, bệnh của chị nặng thêm.
Chị Tăng Thị Kim Yến, Chi hội trưởng Phụ nữ 1 Thanh Khê, phường Hòa An, quận Thanh Khê cho biết, ở địa phương, đa phần chị em làm nghề buôn bán nhỏ và lao động phổ thông…
Dịch bệnh liên tiếp xảy ra, kinh doanh ế ẩm, thu nhập không ổn định, cuộc sống của nhiều gia đình chị em bị xáo trộn; tình trạng bạo lực gia đình đã xảy ra do áp lực cơm áo, gạo tiền…
Chị Kim Yến cho biết thêm, chị thường xuyên gần gũi, để hiểu hơn hoàn cảnh của gia đình hội viên, không để cho “cái sảy nảy cái ung”. “Chúng tôi cũng thường xuyên sâu sát, quan tâm đến từng hoàn cảnh chị em. Chị nào khó khăn về kinh tế chúng tôi kịp thời hỗ trợ vốn để chị em làm ăn", chị Kim Yến nói.
Chị Nguyễn Thị Huyền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất lớn đến đời sống kinh tế của mọi nhà. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ gia đình hội viên vượt qua khó khăn.
“Hội đã hỗ trợ các hộ gia đình, giúp chị em phát triển kinh tế có thêm thu nhập ổn định cuộc sống. Từ đó, xây dựng gia đình hạnh phúc hơn.
Đợt dịch Covid-19 năm 2020, Hội Phụ nữ thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ hơn 100 triệu đồng giúp gần 70 phụ nữ bị bạo lực gia đình vượt qua khó khăn, cố gắng giữ nếp nhà ấm êm", chị Huyền tâm sự./.