Theo Bộ Y tế, 8 tháng qua, cả nước ghi nhận 62 trường hợp tử vong do bệnh dại, phần lớn xảy ra ở các tỉnh phía Bắc như Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái. Như vậy, từ đầu năm đến nay, trong số các bệnh truyền nhiễm gây tử vong, thì bệnh dại có số ca tử vong cao nhất.
Tại tỉnh Điện Biên đã có 4 trường hợp tử vong do bệnh dại ở các huyện Điện Biên Đông, Tuần Giáo và Mường Ảng. Do giao thông đi lại khó khăn, người dân vẫn còn chủ quan không đi tiêm phòng kịp thời sau khi bị cho dại cắn.
Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục phó, Chi cục thú y tỉnh Điện Biên cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 55.000 con chó, nhưng tỉ lệ tiêm phòng theo định kỳ còn thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
“Các vùng tập trung dân cư thực hiện tốt hơn những khu vực vùng sâu vùng xa do điều kiện khó khăn về kinh tế, bà con nông dân và công tác tuyên truyền cũng chưa thực sự tốt. Tỷ lệ chó được tiêm phòng thấp, cho nên đây chính là một trong những nguy cơ phát sinh bệnh dại. Đòi hỏi các cấp, các ngành địa phương, chủ hộ chăn nuôi cùng cố gắng để đưa công tác tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho chó lên tỷ lệ cao” - Ông Đỗ Thái Mỹ cho hay.
Theo PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các cơ quan thú y cũng chưa thống kê được số ổ dịch chó dại và số chó chết vì bệnh dại. Do chó nuôi với số lượng lớn, nuôi thả rông, không có xích, không rọ mõm, không được tiêm phòng nên mỗi năm vẫn có khoảng 500.000 người bị chó cắn phải tiêm phòng dại đã gây áp lực lớn cho ngành y tế.
Nhiều Trung tâm y tế dự phòng chưa làm tốt công tác hướng dẫn cho bệnh nhân cách sơ cứu ban đầu, nhằm giúp người dân hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm dại.
Ông Vũ Ngọc Long, Phó trưởng phòng Phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho rằng, chính quyền các cấp và ngành y tế dự phòng của địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những hiểm nguy khi bị chó, mèo cắn và có cơ chế hỗ trợ đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, người dân nghèo được tiếp cận với dịch vụ tiêm phòng dại, nhằm hạn chế những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
“Các gia đình phải quản lý đàn chó của mình. Nuôi nhốt, tiêm phòng đều đặn theo hướng dẫn của Cục thú ý. Đối với những trường hợp chó hoang, UBND xã tổ chức đội bắt đàn chó hoang hoặc chó không được tiêm phòng. Đối với người bị chó cắn phải tiêm phòng ngay. Những trường hợp bị chó dại cắn, không tiêm phòng mà khi lên cơn thì 100% là tử vong” - Ông Vũ Ngọc Long khuyến cáo.
Mặc dù NN&PTNT đã ban hành quy định người dân phải kiểm soát đàn vật nuôi, đặc biệt là chó, phải có trách nhiệm tiêm phòng theo đúng quy định để đảm bảo không gây hậu quả do dịch phát sinh. Tuy nhiên, quy định này ngay từ khi ra đời đã khó đi vào cuộc sống khi không có sự vào cuộc, đồng hành của các cấp chính quyền cũng như các cơ quan chức năng./.