“...Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Gói bánh chưng không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt mỗi dịp Tết đến Xuân về. Đó còn là thời điểm giúp gia đình, làng xóm sum vầy, quây quần bên nhau.
Còn với những bạn du học sinh xa nhà, khoảnh khắc ngồi bên nhau gói bánh chưng có lẽ là điều hạnh phúc nhất trong năm. Bỏ qua mọi mệt mỏi, lo toan nơi xứ người, họ gắn kết, để rồi cùng nhau đón những cái Tết không cô đơn nơi xứ người. Nhưng để gói được bánh chưng chưa bao giờ là một việc đơn giản, bởi khác biệt về văn hóa, ẩm thực khiến cho các bạn du học sinh khá khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu, đặc biệt là lá dong.
Gói bánh chưng nơi xứ người
Đã 4 năm phải đón cái Tết nơi xứ người, Nguyễn Mỹ Anh (sinh năm 2000), sinh viên Trường Cao đẳng khách sạn NIPPON (tỉnh Gunma, Nhật Bản), vẫn nhớ nhung da diết vị Tết quê nhà.
2 năm đầu ở Nhật, kinh tế khó khăn khiến Mỹ Anh chưa thể bay về Việt Nam đón Tết. Giờ tài chính đã ổn hơn, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên Mỹ Anh vẫn không thể trở về ăn Tết đoàn viên cùng gia đình.
Mỹ Anh cho biết hiện tại tình hình dịch bệnh ở tỉnh Gunma (Nhật Bản) đã ổn định hơn nhiều nên sinh viên vẫn được tới trường. “Tết cũng muốn về Việt Nam lắm, nhưng bên Nhật đón Tết dương, nên tháng Tết âm của Việt Nam thì chúng tôi vẫn đi học bình thường. Giờ về nhà thì cũng không được lâu, vì dịch bệnh phải cách ly nữa. Nhớ nhà lắm nhưng không biết phải làm sao. Tết trong lòng có cảm xúc rất lạ, nhớ da diết hương vị Tết truyền thống.” - Mỹ Anh chia sẻ.
Khác với nhiều nước ở châu Á, Nhật Bản là đất nước đón Tết dương lịch. Tuy nhiên, Mỹ Anh cho biết khi đã là người Việt thì dịp Tết âm có bận mấy cũng vẫn phải có mâm cơm nhỏ nhỏ vào đêm giao thừa. Và bánh chưng chính là món ăn không thể thiếu trong mỗi mâm cơm. Đa phần các bạn sinh viên sẽ mua bánh chưng ở cửa hàng bán đồ Việt Nam do Tết âm lịch không trùng với lịch nghỉ bên Nhật.
Chia sẻ thêm về việc gói bánh chưng, Mỹ Anh cho biết “Dưới tỉnh Gunma nơi tôi ở thì Tết dương có gói bánh chưng tại chùa Đại Ân Honjo của Sư phụ Thích Tâm Trí. Nhiều người Việt đến tham gia lắm, có du học sinh và cả thực tập sinh, tu nghiệp sinh, kỹ sư,… Hầu như mọi năm vào Tết âm, chúng tôi sẽ tự gói bánh chưng tại nhà. Ở Nhật, gói bánh chưng thì nguyên liệu cũng giống như ở Việt Nam thôi, vẫn có lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn đủ cả. Nhưng thứ duy nhất khác với ở quê là không buộc bánh bằng dây lạt, mà thay thế bằng dây nilon”.
Còn Nguyễn Thị Thu Dung (sinh năm 1995) - hiện đang theo học Tiến sĩ chuyên ngành Tin học và kỹ thuật tính toán, Đại học Bách Khoa Saint Petersburg (Nga) - cho biết đã 6 năm phải đón Tết xa gia đình.
“Thật tốt là tôi quen nhiều bạn người Việt bên này, vì thế mỗi dịp chuẩn bị đến Tết nguyên đán, chúng tôi vẫn cố gắng tụ họp cùng nhau. Lúc đó là vui nhất đấy. Được cùng nhau đi mua nguyên liệu, gói bánh chưng, trông nồi bánh và cùng nấu thêm những món ăn truyền thống khác. Lúc đó cũng cảm thấy như được an ủi và vơi bớt đi nỗi buồn vì nhớ nhà” - Thu Dung chia sẻ.
Đến nay, Thu Dung dường như đã quen với việc đón tết xa nhà vì lý do học tập, công việc. Nhưng mỗi dịp Tết đến Xuân về, được tất bật chuẩn bị những cành đào, cành mai, ngồi gói bánh chưng,... Dung vẫn có cảm giác chạnh lòng và nhớ cái Tết ở Việt Nam da diết.
Phạm Khánh Huyền (sinh năm 2000) - hiện đang là sinh viên chuyên ngành Quản trị Du lịch Khách sạn, trường Cao đẳng George Brown (Canada) chia sẻ: “Đa phần các hội du học sinh bên này thường không hay gói bánh chưng đâu. Vào dịp Tết mình và các bạn thường tụ tập nấu nướng để ăn Tất niên, nhưng bánh chưng thì mua luôn chứ không gói.”
Theo như lời kể của Huyền, hầu hết sinh viên bên đó không hay gói bánh chưng vì việc tìm mua lá dong rất khó khăn, Tết Việt Nam cũng khác thời gian so với Tết ở Canada nên cũng không có thời gian tổ chức gói bánh chưng cùng nhau. Do đó, vào những ngày đón Tết Nguyên đán, các sinh viên thường đặt mua bánh chưng đã được gói sẵn, sau đó tổ chức ăn uống cùng nhau.
Những nỗi nhớ ngày Tết ẩn chứa
Nhớ nhà, nhớ gia đình là cảm xúc chung của hầu hết những bạn du học sinh xa quê hương mỗi dịp Tết đến Xuân về. Vì thế đối với họ, những chiếc bánh chưng không chỉ là món ăn ngày Tết cổ truyền của người Việt, mà món ăn này giống như nguồn cội giúp những người xa quê vơi bớt đi nỗi cô đơn nơi xứ người.
Do tình hình dịch Covid-19 nên hầu hết những bạn du học sinh đều không thể trở về Việt Nam để đón Tết. “Năm nào tôi cũng gọi điện về nhà vào ngày mùng 1 và mùng 2 Tết khi bố mẹ đi chúc Tết hai bên gia đình nội ngoại. Ôi, năm đầu tiên mới sang rồi đón Tết xa nhà, thấy buồn lắm, khóc suốt, thậm chí còn không có tâm trạng để đi học, đi làm” - Mỹ Anh kể.
Cũng giống như Mỹ Anh, Thu Dung cho biết những năm đầu khi mới đặt chân đến nước Nga, mỗi dịp cuối năm là thời điểm bản thân thấy nhớ nhà nhất. Mỗi dịp Tết vào đêm giao thừa, Dung chỉ có thể gọi điện về cho gia đình và nhìn người thân qua màn hình điện thoại.
Đối với những du học sinh xa quê, việc được quây quần bên bạn bè, cùng nhau đón đêm giao thừa, ăn bánh chưng và những món ăn có hương vị quê nhà là điều hạnh phúc và ấm áp nhất. Chính tình cảm đồng hương nơi xứ người là động lực giúp họ dần vơi bớt được phần nào nỗi nhớ gia đình, nhớ bữa cơm đoàn viên./.