Lúc 00h10 ngày 1/10:Báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị, bão số 10 đã làm 17 người bị thương, 3700 nhà dân, 200 phòng học bị sập và tốc mái. Nhiều trụ sở làm việc của các cơ quan đơn vị, bệnh viện trên địa bàn tỉnh bị hư hại do bão. Gió bão cũng đã làm hơn 100 cột đường dây cao thế và hạ thế bị nghiêng, khoảng 100 điểm đường dây bị đứt, gây mất điện toàn tỉnh. Trong tối 30/9, Điện lực Quảng Trị mới khắc phục tạm thời, đảm bảo cấp điện cho một số cơ quan, đơn vị chủ lực để triển khai công tác khắc phục bão số 10. Bão số 10 kèm theo mưa lớn khiến tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua huyện miền núi Đakrông và Hướng Hoá bị sạt lở nhiều điểm, gây cản trở giao thông. Thiệt hại nặng nhất vẫn là ngành nông nghiệp với hơn 7000 hécta cao su đang kỳ khai thác mủ, bị bão quật gãy và bật gốc. Nhiều gia đình ở huyện Vĩnh Linh, Gio Linh đang lâm vào cảnh hết sức khó khăn. Nhà cửa bị bão đánh sập tốc mái nhưng vườn cao su cũng không còn. Khó khăn đang ở trước mắt. Bà Hoàng Thị Thương, ở thôn Nam Cường, xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh xót xa khi 8 héc ta cao su đang kỳ khai thác mủ của gia đình đã bị gió bão quật ngã hơn phần nửa: Hiện nay khó khăn vì gia đình có 3 cháu đi học, 2 cháu đang học đại học. Gia đình không còn gì để lo cho con ăn học nữa. Cuộc sống chính nhờ vào cao su, nhà bị  bão lốc cuốn tấm bơ rô xi măng....

Tỉnh Quảng Trị đang tập trung khắc phục hậu quả bão số 10. Trước mắt, tỉnh Quảng Trị  ưu tiên thăm hỏi hỗ trợ gia đình có người bị thương, nhà bị sập và tốc mái. Đồng thời tiếp tục thống kêchính xác gia đình bị thiệt hại do bão, để có chính sách hỗ trợ kịp thời sớm ổn định cuộc sống người dân vùng thiên tai.

Theo thông tin mới cập nhật của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, ở đảo Hòn Ngư đã có gió giật mạnh 28m/s (cấp 10); đảo Cồn Cỏ: 43m/s (cấp 14); Kỳ Anh: 33m/s (cấp 12). Trên đất liền các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Lũ trên các sông ở Quảng Bình tiếp tục lên. Đêm nay, sáng sớm mai (1/10), lũ trên các sông ở Quảng Bình có khả năng đạt đỉnh và ở trên mức báo động 2. Cụ thể mực nước đỉnh lũ các sông: Sông Giang tại Mai Hóa ở mức 5,5 mét, trên báo động 2: 0,5 mét. Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 2,2 mét, ở mức báo động 2.

duongdi.jpg
Đường đi của bão

Riêng TP Đồng Hới có gió giật mạnh 35m/s (cấp 12); Ba Đồn có gió giật mạnh 44m/s (cấp 14). Ở các tỉnh Hà Tĩnh đến Đà Nẵng đã có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 100 – 200mm.Hồi 22h ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 104,8 độ Kinh Đông, trên địa phận Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây và suy yếu thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, đêm nay (30/9) ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to đến rất to.Lúc 23h10: Đến thời điểm này, tại các địa phương Hà Tĩnh, Nghệ An, gió đã giảm xuống cấp 5 cấp 6 nhưng mưa vẫn lớn. Do ảnh hưởng của bão, một số đường dây 220KV, 110KV và các đường dây trung, hạ áp của một số tỉnh bị sự cố, gây mất điện trên diện rộng. Tại tỉnh Hà Tĩnh, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão vẫn cử các lực lượng chức năng ứng trực đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra. Tỉnh cũng quán triệt chỉ đạo của Ủy ban phòng chống lụt bão Trung ương không để người dân nào bị đói, bị rét và đặc biệt là không có nơi trú ẩn. 

Ngay trong tối nay, ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp  và Phát triển nông thôn –Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã có cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cùng đại diện các Ban, ngành của khu vực miền Trung. Cuộc họp đánh giá quá trình đối phó với bão số 10, thống kê những thiệt hại ban đầu, và hướng khắc phục hậu quả sau bão. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chỉ rõ: “Tất cả các địa phương phải khẩn trương kiểm tra, xác định những nơi có nhà đổ, nhà tốc mái, phải đến từng gia đình để kiểm tra xem có ai bị thương để kịp thời cứu chữa, hỗ trợ để đảm bảo có đủ lương thực, nước uống và nơi trú ngụ trong đêm nay, không để ai bị đói, bị rét và không có nơi trú ẩn. Trong đêm nay sẽ tiếp tục có mưa lớn, vì thế tất cả các địa phương phải hết sức đề phòng, hướng dẫn nhân dân ở những vùng nguy hiểm phải tiếp tục sơ tán để đảm bảo an toàn về tính mạng”.Lúc 22h55:Tại Đồng Hới (Quảng Bình), mưa đã tạnh, gió cũng giảm đáng kể. Tuy nhiên, giao thông trên nhiều tuyến đường ở Quảng Bình gặp khó khăn do cây cối gãy đổ ngổn ngang, trụ điện chắn ngang đường.Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn 4 tỉnh là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế hiện đã có 2 người chết, 26 người bị thương, và 5.422 ngôi nhà bị tốc mái.Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương,từ đêm nay, lũ trên các sông từ Nghệ An đến Hà Tĩnh sẽ lên. Đến chiều tối mai (01/10), mực nước thượng nguồn sông La có khả năng lên mức báo động 1, báo động 2, hạ lưu sông La và sông Cả lên mức báo động 1. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng thấp và đồng bằng các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình.

Ngày hôm nay, do ảnh hưởng của bão số 10, ở Quảng Bình đã có mưa to đến rất to. Tính đến 19 giờ ngày 30/9, lượng mưa đo được phổ biến từ 100-200mm, có nơi lớn hơn như: Mai Hóa: 222mm, Ba Đồn: 249mm, Đồng Hới (Quảng Bình): 328mm. Do mưa lớn, lũ trên các sông ở Quảng Bình đang lên. 

Lúc 22h40: Bão số 10 quét qua các tỉnh Bắc Trung Bộ gây sự cố đường dây điện 500KV Bắc Nam mạch đoạn Hà Tĩnh – Đà Nẵng, làm mất liên kết Hệ thống điện quốc gia và hệ thống điện 2 miền Bắc Nam vận hành độc lập.

Bão làm gãy đổ nhiều cây cối
Cũng do ảnh hưởng của siêu bão số 10, các đoạn đường dây 220KV, 110KV và các đường dây trung hạ áp tại khu vực miền Trung bị sự cố, gây mất điện diện rộng tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.  Hiện ngành điện đã khôi phục lại 80% phụ tải trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, những phụ tải quan trọng của tỉnh Quảng Trị. 
Bão làm gãy cột điện ở Quảng Bình

Riêng tại tỉnh Quảng Bình do ban đêm trời tối nên không thể khắc phục được. Ông Trần Đình Thanh - Tổng Giám đốc Công ty Điện lực Miền Trung cho biết, trong sáng mai sẽ tổ chức kiểm tra và khắc phục và cấp điện trở lại.Lúc 22h25:Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh, bão số 10 đã làm tốc mái gần 300 nhà dân và các công trình phúc lợi, nhiều cây cối bị ngã đổ; nhiều ao hồ nuôi thả thủy sản của người dân bị tràn bờ, hàng chục cột điện hạ thế bị ngã đổ. Địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão số 10 là huyện Kỳ Anh. Đến chiều nay có 5 xã của huyện bị ngập cục bộ là: Kỳ Thư, Kỳ Nam, Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh...; 2 thuyền gỗ ở xã Kỳ Lợi bị sóng đánh trôi do bị đứt dây néo. Hiện tại, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Kỳ Anh không thể liên lạc được với một số xã trong huyện do mạng Viettel.Lúc 22h10: Đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có điện trở lại.Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh có 12 người bị thương, hàng ngàn ha cao su bị hư hại, hơn 3.500 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng...22h00:Đến thời điểm này, tại Quảng Bình bão số 10 đã khiến hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; cây cối gãy đổ ngổn ngang, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Bão cũng khiến cột thu phát sóng Viettel ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh bị gãy đổ, nằm vắt ngang trên QL1A, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Lúc 21h57:Thông tin từ Bộ Chỉ huy Biên phòng Hà Tĩnh cho biết, 10 công nhân mắc kẹt vừa được giải cứu thành công. 10 công nhân đều an toàn không ai bị thương, chỉ mệt mỏi do phải nhịn ăn từ chiều.Lúc 21h40:Hiện nay khu vực huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang có mưa và gió rất lớn.Thượng tá Võ Trọng Hải – Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đang ở khu vực xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh cho biết, lực lượng biên phòng Hà Tĩnh đã dốc hết lực lượng xuống các huyện ven biển, phối hợp với chính quyền địa phương và cùng nhân dân chống bão, hỗ trợ đưa người dân đến khu vực an toàn. 

Tại xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh, có 10 công nhân của Công ty TNHH Hà Thành đang thi công cầu Quyền bắc qua sông Quyền trên địa bàn xã Kỳ Trinh- huyện Kỳ Anh, do chủ quan, nhóm thợ ở lại dưới chân công trình và khi bão lũ ập đến, nước dâng quá nhanh khiến khu vực này bị cô lập.Thượng tá Võ Trọng Hải cho biết, Biên phòng Hà Tĩnh đã huy động tàu hỗ trợ nhằm giải cứu những công nhân đang bị mắc kẹt này.Lúc 21h35:Tại Quảng Trị, bão đã tan hẳn, mặc dù công tác triển khai phương án phòng chống cơn bão số 10 được lãnh đạo tỉnh chuẩn bị chu đáo, nhưng do cơn bão có cường độ mạnh nên đã gây thiệt hại lớn cho tỉnh. Theo thông kê hiện nay trên địa bàn tỉnh có 17 người bị thương, hơn 3700 ngôi nhà bị sập mái, hơn 7000 cây cao su đang chuẩn bị thu hoạch bị gãy, bật gốc.Theo thông tin từ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), vào lúc 12h52’ đường dây 500kV mạch 2 đoạn Hà Tĩnh - Đà Nẵng đã bị sự cố, gây mất điện. Tiếp đó, vào lúc 15h27’ đường dây mạch 1 đoạn Hà Tĩnh – Đà Nẵng tiếp tục bị sự cố, làm mất liên kết Hệ thống điện quốc gia và hệ thống điện 2 miền Bắc Nam vận hành độc lập. Tuy vận hành độc lập nhưng EVN vẫn chỉ đạo các đơn vị thành viên bảo đảm cung cấp điện ổn định cho các khu vực không bị ảnh hưởng của cơn bão số 10 này. Cũng do ảnh hưởng của siêu bão số 10, đến 20h tối nay, các đoạn đường dây 220kV, 110kV và các đường dây trung hạ áp tại khu vực miền Trung cũng bị sự cố, gây mất điện phần lớn tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang tập trung chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, các Tổng Công ty Phát điện 1, 2, 3 duy trì cung ứng điện các miền, từng bước khôi phục liên kết Hệ thống điện quốc gia, đồng thời chỉ đạo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng Công ty Điện lực miền Trung tổ chức ứng trực 24/24 giờ, tập trung nhân lực và phương tiện khắc phục ngay các sự cố lưới điện khi bão đi qua, đảm bảo cung cấp điện an toàn trở lại trong thời gian sớm nhất.

Lúc 21h30: Đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình trời đã ngớt mưa, toàn thành phố mất điện, hàng loạt tuyến đường vẫn còn ngập trong nước.

Theo thống kê sơ bộ đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Bình có 3 người bị chết, 8 người bị thương; hơn 300 ngôi nhà bị sập hoàn toàn và tốc mái. Hàng loạt cột điện, cột ăng ten của ngành điện lực, viễn thông và phát sóng phát thanh bị gẫy đổ, gây mất điện và mất sóng di động mạng Viettel trên diện rộng.

Ngay trong đêm nay, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã yêu cầu các lực lượng chức năng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và tỉnh Quảng Bình thường xuyên ứng trực, sẵn sàng cơ động giúp đỡ nhân dân xử lý các tình huống diễn ra. Đây là cơn bão có cường độ rất mạnh và sức tàn phá nặng nề nhất hàng chục năm qua trên địa bàn các tỉnh miền Trung.Trước đó, trong buổi chiều nay, siêu bão số 10 có cường độ rất mạnh đã đổ bộ vào 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.  Đặc biệt, tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, nơi tâm bão đi qua, liên tục từ 13h đến gần 18h, bão số 10 gây gió giật cấp 15, 16 trong thời gian dài đã tàn phá nặng nề nhà cửa, cơ quan công sở và tài sản của nhân dân. 

Lúc 21h20: Tại tỉnh Hà Tĩnh, bão đã bắt đầu có xu hướng tan dần, nhưng mưa vẫn còn rất lớn. Tại TP Hà Tĩnh, từ chiều đến nay, gần như toàn bộ những khu vực trung tâm của thành phố bị mất điện. Đến 21h15’, điện lưới mới bắt đầu được khắc phục.
Theo thông tin từ Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh, đến thời điểm này, tỉnh đã di dời gần 6000 hộ dân của các huyện, xã ven biển, trong đó huyện Kỳ Anh, nơi hứng chịu ảnh hưởng lớn của bão số 10 đã di dời 2516 hộ với gần 8.000 dân.Cũng theo Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay vẫn chưa có thống kê về thiệt hại do bão số 10 gây ra. 21h10:Hiện nay ở TP Huế trời đã hết mưa, trời lặng và không có dấu hiệu của một cơn bão vừa tràn về, bởi trước đó, lúc 10-12h cùng ngày, TP Huế có gió to, giật trên cấp 10.Theo thống kế sơ bộ, hiện ở Huế có khoảng 100 ngôi nhà bị tốc mái, tập trung phần lớn ở huyện Phú Lộc (80 căn).Lúc 20h35:Hiện nay cả thành phố Đồng Hới, Quảng Bình vẫn đang mất điện, gió giật mạnh kèm theo mưa to, các tuyến đường đang ngập trong nước.

Tai huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), một số trường học và nhà dân bị tốc mái, hư hỏng. Hàng ngàn ha cao su, hoa màu của bà con bị gãy đổ, hư hỏng. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, ở đảo Hòn Ngư có gió giật mạnh 28m/s (cấp 10); đảo Cồn Cỏ có gió giật mạnh 34m/s (cấp 12). Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có gió giật mạnh 33m/s (cấp 12); Trên đất liền các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9; riêng TP.Đồng Hới, có gió giật mạnh 35m/s (cấp 12); Ba Đồn có gió giật mạnh 44m/s (cấp 14). Ở các tỉnh Hà Tĩnh đến Đà Nẵng đã có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 70 – 150mm; một số nơi có mưa lớn hơn như Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 183mm; Ba Đồn 203mm; Tp. Đồng Hới 294mm; Tuyên Hóa 175mm…. 

Lúc 19h:
Vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 105,9 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Bình và nước Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12. 
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Vượt qua biên giới Việt - Lào suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ). 
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, đêm nay (30/9) vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế và Nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9 - 10. Biển động mạnh. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 6, cấp 7, riêng khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11 - 12. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 2 – 3 mét. 

Lúc 17h:Theo Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, trên địa phận các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 103 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đi sâu vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Bình và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Lúc 16h:Đồn biên phòng nhận được điện thoại báo có 30 công nhân bị mắc kẹt trong lán công trường khu công nghiệp Fomosa. Do gió to, mưa lớn nên những công nhân này không kịp đến nơi trú ẩn.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Đồn biên phòng 176 đã điều 2 xe ô tô tiếp cận hiện trường, đến khoảng 18h đã tiếp cận được toàn bộ số công nhân bị mắc kẹt và đưa toàn bộ số công nhân này đến nơi tránh trú an toàn.

Đầu giờ chiều 30/9:bão số 10 đã đổ bộ lên các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình. Theo ghi nhận của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 10 tràn qua đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị bão giật cấp 12, tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình gió giật cấp 11... mưa phổ biến từ 100- 20mm, đặc biệt là mưa lớn từ đầu giờ chiều nay.

Bão số 10 đổ bộ càn quét tại tỉnh Quảng Bình

Cường độ của bão số 10 gây ra khi đổ bộ vào bắc Quảng Bình tương đương với bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng năm 2006.

Theo thống kê sơ bộ ban đầu, tại tỉnh Quảng Bình có 2 người bị thương nặng 1 người bị thương khi đang chằng chống nhà cửa, hiện đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Trạch; 1 người khác bị thương khi làm nhiệm vụ.

Hơn 200 nhà bị tốc mái chủ yếu ở xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy và một số nhà dân ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa./.