Theo GS Phạm Huy Dũng, Đại học Y Hà Nội, bác sĩ y học gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, công tác ở tuyến cơ sở, chịu trách nhiệm quản lý và chăm sóc sức khỏe của cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng. Chính vì vậy, bác sĩ y học gia đình phải có kiến thức cơ bản cần thiết cả về y học cơ sở, y học lâm sàng, y tế dự phòng và tâm lý học, đặc biệt là tôn trọng nguyên tắc y học gia đình.

“Bác sỹ gia đình là người chuẩn đoán vấn đề của bệnh nhân gắn với bệnh tật, chứ không phải chỉ nghe tim, nghe phổi rồi chẩn đoán bệnh cho thuốc. Công việc của bác sĩ gia đình giống với công tác xã hội. Nhưng công tác xã hội là tất cả vấn đề xã hội còn đây là vấn đề y học, vừa phải biết chữa bệnh vừa phải biết giải quyết vấn đề cho con người” - GS Phạm Huy Dũng nói.

Theo ông Trương Việt Dũng- Vụ trưởng Vụ Khoa học Đào tạo, Bộ Y tế, mục tiêu của đề án đào tạo bác sỹ gia đình là phát hiện, chẩn đoán, xử lý các bệnh phổ biến và cấp cứu thông thường ở cộng đồng, đặc biệt giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Ông Dũng cũng cho biết, hiện nay trong các bệnh viện của Việt Nam, nhất là những bệnh viện tuyến Trung ương, quá tải rất nhiều, thời gian bệnh nhân nằm viện quá lâu mà có thể không cần thiết. Thực ra, sau giai đoạn cấp cứu người bệnh có thể về lại nhà và bác sỹ gia đình có thể đến xem vết mổ đó như thế nào, mạch, huyết áp ra sao, có sốt hay không.

Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội thì cho rằng, xây dựng khung chương trình trong đào tạo bác sỹ y học gia đình là một thay đổi lớn trong đào tạo, và cũng là bước chấm phá trong cung cấp nguồn nhân lực cho cán bộ ngành y tế. Nhà trường hiện đang xây dựng khung đào tạo bác sỹ gia đình với thời gian 6 năm, đa dạng hóa đào tạo và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, chương trình đào tạo bác sỹ gia đình lần đầu tiên được đưa vào trường đại học. Bộ Y tế ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất cho các trường mở mã ngành này. Bởi hiện nay, ngành y đang thiếu bác sĩ tuyến cơ sở, thiếu bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi để đáp ứng cho khoảng 620 bệnh viện tuyến huyện và gần 200 bệnh viện chuyên khoa được xây dựng bằng trái phiếu Chính phủ sắp hoàn thiện....

Về vấn đề “đầu ra” cho nguồn nhân lực này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, khi những sinh viên ra trường Bộ Y tế  sẽ phối hợp với trường Đại học Y Hà Nội gửi thư mời tới các cơ quan doanh nghiệp, tuyến cơ sở tiếp nhận làm việc.

Người dân đang mong chờ mô hình đào tạo mới này sẽ mang lại quyền và lợi ích thiết thực cho họ, nhất là những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đi khám, chữa bệnh ở những bệnh viện tuyến trên./.