Sáng 2/4, ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Cty CP đầu tư kinh doanh nước sạch (VIWACO) cho hay, sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà đã được khắc phục vào hồi 9h sáng cùng ngày. Nước đã được cấp bình thường trở lại cho các hộ dân.

vo-ong-nuoc.jpg
Lần thứ 5, đường ống nước Sông Đà bị vỡ, gần 70.000 hộ dân bị ảnh hưởng (Ảnh: ANTĐ)

Trước đó, vào khoảng 16h chiều 1/4, đường ống D1600 nước sạch Sông Đà đã bị vỡ tại vị trí thuộc xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất. Sự cố này đã khiến nhà máy phải tạm dừng cấp nước, hơn 70.000 hộ dân ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai…bị ảnh hưởng.

Chiều cùng ngày, 2 máy xúc, 4 xe tải, 2 máy ép cừ đã xuống hiện trường khắc phục sự cố. Đây là lần thứ 5, đường ống nước sạch Sông Đà gặp sự cố. Trước đó, các năm 2012, 2013 đường ống nước sông Đà đã bị vỡ 4 lần.

Trước sự việc này, đầu năm 2014, Bộ Xây dựng đã yêu cầu Tổng Công ty CP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) báo cáo về thực trạng vận hành tuyến ống truyền tải nước sạch. 
Đặc biệt, cần xác định các nguyên nhân gây sự cố vỡ ống trong thời gian qua; đề xuất giải pháp khắc phục sự cố vỡ ống nhằm bảo đảm an toàn cấp nước cho người dân phía Tây Hà Nội. 
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra tuyến ống cấp nước của Nhà máy nước sông Đà, tìm các giải pháp bảo đảm an toàn cấp nước cho phía Tây Hà Nội.

Trong khi đó, ông Nguyễn Sỹ Trung, kỹ sư trưởng dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Viện KH&CN GTVT) nhận định, nguyên nhân gây vỡ đường ống nước sông Đà là vì đường ống này được đặt trực tiếp trên nền đất yếu, không được xử lý. 
Bên cạnh đó, đường ống làm bằng vật liệu Composite, không chịu được lực tác động trực tiếp là lực uốn và biến dạng. Bởi vậy khi nền lún sụt không đồng đều dẫn tới tuyến ống bị vỡ.
Trong khi đó, tuyến cao tốc Láng - Hòa Lạc có chiều dài 29km, chạy qua nhiều vùng địa chất khác nhau. Đặc biệt, có 5,4km chạy qua nền đất yếu, nằm rải rác tại 29 điểm với độ sâu trung bình từ 5-30m, dài 20-200m, đơn vị thi công đã phải xử lý nền đất yếu bằng công nghệ cọc cát, giếng cát, thay đất… mới giữ được nền đường ổn định như hiện nay.
Bởi vậy, theo ông Trung, nếu không có biện pháp xử lý dài hơi, đường nước sạch Sông Đà sẽ còn tiếp tục bị vỡ. Về vấn đề này, ông Việt cho hay, chủ đầu tư Vinaconex đã có thiết kế đầu tư thêm một đường ống nước song song, kinh phí khoảng 4.000 tỷ đồng, tuy nhiên, hiện nay đang gặp khó khăn về tài chính./.