Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, vừa tiếp nhận cấp cứu cho bé trai 2 tuổi, ở Cà Mau, bị dị vật là 1 chiếc răng nằm ở phổi trái, gây xẹp hoàn toàn phổi trái.
Theo bác sĩ Đặng Hoàng Sơn - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nôn ói, ho, tắc đường thở từng cơn, phải cấp cứu hô hấp mới thở lại được.
Sau 5 ngày điều trị tại bệnh viện địa phương nhưng tình trạng không thuyên giảm, bé trai được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 để điều trị. Tại đây, qua chụp phim phổi, các bác sĩ xác định có dị vật là một chiếc răng nằm ở phổi trái của bé.
Sau khi được nội soi để gắp dị vật ra thì bé giảm ho, không còn ói nữa và đã được xuất viện.
Theo người nhà của bệnh nhi, do tai nạn giao thông nên bé bị ngã gãy chiếc răng mà không tìm thấy, không ngờ chiếc răng đã rơi vào tận cuống phổi của bé.
** Trước đó, Khoa Hô hấp - Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM cũng tiếp nhận trường hợp bé trai 15 tháng tuổi, ở Đồng Nai bị tình trạng khó thở kéo dài. Bệnh viện địa phương chẩn đoán bé bị viêm thanh, khí, phế quản. Sau khi điều trị khoảng 2 tuần bằng kháng sinh không khỏi, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Các bác sĩ phát hiện có dị vật là mảnh xương cá nằm ở đường thở phía trên gây ra tình trạng khó thở của bé. Bé được nội soi để gắp dị vật ra. Sau khi được gắp dị vật, bé hết khó thở và được cho xuất viện.
Theo các bác sĩ, dị vật đường thở nếu không được phát hiện kịp thời sẽ gây nhiễm trùng, mưng mủ ở phổi có thể dẫn đến nhiễm trùng toàn thân và tử vong. Bởi vậy, khi thấy trẻ bị sặc thức ăn, khó thở, uống thuốc không khỏi thì gia đình và phụ huynh phải kiểm tra để xác định khả năng bị hóc dị vật./.