“Các công tác triển khai phòng chống bão số 4 phải hoàn thành chậm nhất vào 17h chiều ngày mai 29/11”. Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương tại cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương bàn giải pháp ứng phó bão diễn ra chiều nay (28/11) tại Hà Nội.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Bình, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn: Khu vực giữa biển Đông đang còn rất nhiều tàu thuyền hoạt động. Trong khi đây là vùng rất nguy hiểm khi bão quét qua. Thống kê của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đến 17h chiều nay đã có 208 tàu trong tổng số hơn 2.000 tàu đang trên đường di chuyển tránh bão nhưng vẫn còn 752 tàu với gần 7.100 người đang hoạt động ở giữa biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa. Ứng phó bão số 4, Bộ Quốc phòng đã huy động 55.000 cán bộ chiến sĩ, với 1.768 phương tiện sẵn sàng ứng phó các tình huống xảy ra trong cơn bão số 4.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Bình đề nghị: “Bộ Tư lệnh biên phòng chỉ đạo chặt chẽ hướng dẫn sắp xếp neo đậu tàu thuyền ở các âu tàu, bến đậu nơi tàu thuyền trú tránh bão đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ngư dân khi vào neo đậu. Riêng đối với các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản lực lượng biên phòng phải kiên quyết bằng mọi cách yêu cầu và không để người trên các lồng bè chòi canh khi bão đổ bộ.”
Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương trong khu vực nguy hiểm phải hoàn thành công tác ứng phó bão trên biển trước 17h chiều mai 29/11. Bão có tốc độ di chuyển gấp đôi tàu thuyền. Đối với những phương tiện cách bờ ngoài 200 km, cơ quan chức năng phải tìm mọi cách liên lạc với chủ phương tiện, hướng dẫn chạy lên phía Bắc hoặc xuống phía Nam để đảm bảo an toàn.
Các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa khẩn trương thực hiện lệnh cấm biển, đảm bảo an toàn tính mạng ngư dân và tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão. Một số khu vực dân cư ven biển phải thực hiện sơ tán dân đề phòng bão đổ bộ vào lúc triều cường.
Lo ngại nhất hiện nay là tâm lý chủ quan trong ứng phó bão. Tốc độ di chuyển của bão có thể khiến tàu thuyền và ngư dân gặp nguy hiểm nếu không di chuyển đến nơi an toàn. Lượng mưa nhỏ nhưng có thể xảy ra cục bộ cũng có thể đe dọa tính mạng người dân. Các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa khẩn trương thực hiện lệnh cấm biển, đảm bảo an toàn tính mạng ngư dân và tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão. Trên đất liền các địa phương phải rà soát các khu vực nguy hiểm, sơ tán dân và cảnh báo cho nhân dân biết.
Liên quan đến tàu đánh bắt cá ngừ đại dương của ngư dân tỉnh Phú Yên mang số hiệu PY 96182, với 7 lao động gặp nạn cách bờ biển Tuy Hòa của Phú Yên khoảng 116 hải lý về phía Đông, hiện tàu cứu hộ của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã xuất phát, dự kiến 23h đêm nay sẽ tiếp cận tàu gặp nạn để lai dắt vào bờ. Tính đến chiều nay, Bộ đội biên phòng tuyến biển các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Cà Mau phối hợp chính quyền địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm hướng dẫn hơn 45.000 phương tiện, với hơn 238.000 người biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh./.