Như tin đã đưa, rạng sáng hôm nay (8/3), một chiếc máy bay chở gần 240 hành khách của Malaysia đã bị mất tích trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh (Trung Quốc). Hiện cả Malaysia, Trung Quốc và Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm máy bay nghi là bị mất tích này.

Về những nỗ lực của các cơ quan Việt Nam trong việc tìm kiếm, hỗ trợ vụ máy bay mất tích này, phóng viên Đài TNVN đã có cuộc phỏng vấn với ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, một trong những đơn vị của phía Việt Nam có nhiệm vụ phối hợp tìm kiếm, cứu nạn và xác định thông tin về vụ máy bay của Malaysia nghi là bị mất tích:
tin-hieu-may-bay_copy.jpg
Tín hiệu cuối cùng của chiếc máy bay hiển thị trên Radar trước khi mất tích (ảnh khai thác)

>> Vùng 5 hải quân sẵn sàng tìm kiếm máy bay Maylaysia mất tích>> Máy bay Malaysia bị nạn chưa vào lãnh hải Việt Nam>> Máy bay của Malaysia có thể đã rơi ở biển Đông

PV: Thưa ông, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Phạm Hoài Giang – Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết máy bay của Malaysia bị rơi chứ không phải là mất tích và chiếc máy bay này bị rơi ở vị trí không phải là lãnh hải, không phận của Việt Nam. Vậy cụ thể xác định thông tin này như thế nào và việc Việt Nam đã triển khai các công tác tìm kiếm cứu nạn như thế nào, thưa ông?

Ông Lại Xuân Thanh: Như chúng ta đã biết, rạng sáng 8/3 đã xảy ra vụ tai nạn mất tích một chiếc máy của của Hãng hàng không Malaysia, đường bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh (Trung Quốc). Hiện nay các nước Việt Nam, Singapore, Malaysia, Trung Quốc đang tích cực phối hợp, tổ chức tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển. Thông tin được biết, máy bay này bị mất liên lạc và mất tin hiệu trên màn hình radar trước khi vào điểm chuyển giao vào vùng FIR của Việt Nam. Chúng tôi đã phối hợp với phía Singapore, Malaysia và có sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế để xác định khu vực tìm kiếm cứu nạn, xác định vị trí nơi máy bay bị mất liên lạc và tín hiệu.

Hiện về phía Việt Nam, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhận dân Việt Nam trực tiếp chỉ huy và cũng đã lập các phương án để điều máy bay, tàu của hải quân, tàu của cảnh sát biển, tìm kiếm cứu nạn… để tham gia cùng các nước thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển.

PV: Thưa ông, có một số thông tin xác nhận rằng đã phát hiện ra vị trí của chiếc máy bay này rơi gần với khu vực tiếp giáp với vùng biển của Việt Nam và Malaysia. Vậy cụ thể thông tin này như thế nào và các lực lượng đã sẵn sằng cho việc ứng cứu chưa?

Ông Lại Xuân Thanh: Cho đến bây giờ (14h ngày 8/3), theo thông tin chính thức thì chưa xác định được chính xác vị trí rơi của máy bay, tức là ở đây chỉ xác định khu vực để tiến hành tìm kiếm cứu nạn căn cứ vào việc xác định thời điểm mà bị mất liên lạc, mất tín hiệu trên màn hình radar với máy bay của Malaysia; xác định theo hướng bay, điều kiện gió… tại thời điểm máy bay này bị mất liên lạc để xác định ra một khu vực để thực hiện việc tìm kiếm.

Theo đánh giá của chúng tôi, khả năng máy bay bị tai nạn là rất lớn. Vì vậy, các nước đều xác định và tổ chức lực lượng để tìm kiếm cứu nạn. Việt Nam sẽ phối hợp cùng với các nước bạn hết sức mình để tìm kiếm, cứu nạn.

PV: Thưa ông, trong lịch sử thì đã có trường hợp nào bị nạn tương tự như chiếc máy bay này không?

Ông Lại Xuân Thanh: Ở trong vùng FIR của Việt Nam thì đây có lẽ là trường hợp đầu tiên.

PV: Xin cảm ơn ông!./.