UBND TP.HCM vừa chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp cùng các sở ngành liên quan nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách để thực hiện thu phí tự động đối với xe ô tô  khi vào trung tâm thành phố. Phương án này thực hiện thí điểm trong 6 tháng.

Theo mô hình thu phí giao thông điện tử ERP, các cột đèn giao thông sẽ được gắn camera giám sát, máy quét cùng các hệ thống biển báo và trung tâm điều khiển thông tin, xe ô tô các loại cũng được gắn các thiết bị đầu đọc OBU có khe cắm thẻ thông minh. Hệ thống này hoạt động hoàn toàn tự động, khi ôtô chạy vào tuyến đường ùn tắc sẽ bị tính tiền. Phương án này thí điểm ở quận 1 và quận 3, sau đó phát triển rộng ra thành một hệ thống vành đai quanh khu vực trung tâm... Ngay từ khi mới công bố, chủ trương này đã nhận được nhiều ý kiến về hiệu quả của nó.

Chị Lê Ngọc Minh, một người dân tại quận 5, cho biết: Hạn chế kẹt xe trong thành phố là điều cần thiết, nhưng tôi nghĩ phương án thu phí xe ô tô khi đi vào trung tâm thành phố không khả thi. Trong khi hạ tầng chưa tốt mà thu phí thì thêm một khoản phí người dân phải gánh chịu. Khi đóng phí, người dân mong muốn được hưởng một dịch vụ nào đó tốt hơn trong khi chúng ta thì chưa đáp ứng được điều này. Bên cạnh đó, trung tâm thành phố còn có các khu thương mại, khu vui chơi giải trí khác, nếu cấm xe đi vào thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các dịch vụ này. Chưa chắc thu phí thì sẽ giảm kẹt xe”.

TP. HCM hiện có khoảng 400.000 ôtô và gần 4 triệu xe gắn máy. Số xe hơi chỉ bằng 1/10 xe gắn máy nhưng chiếm tới gần 55% tổng diện tích giao thông động và trên 60% tổng diện tích đậu xe. Số lượng phương tiện tăng nhanh trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp đã làm tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Từ đầu năm đến nay TP.HCM có 63 vụ ùn tắc giao thông trên 30 phút, trong đó có 12 vụ ùn tắc kéo dài từ 4 đến 9 tiếng. Việc đưa ra những phương án mới nhằm giảm ùn tắc giao thông là  cần thiết trong lúc này, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tính khả thi.

Tắc đường và ngập lụt là cảnh thường thấy ở thành phố (ảnh K.T)

Phó Giáo sư Phạm Xuân Mai, Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng: “ERP là một phương pháp thu phí hiện đại, một số quốc gia đang thực hiện rất hiệu quả. Tuy nhiên phương pháp này áp dụng vào nước ta thì phải nằm trong một hệ thống giao thông thông minh. Về lý thuyết thì rất tốt nhưng về thực tế chúng ta cần phải xem xét lại vì kẹt xe hiện nay chủ yếu là do xe gắn máy nhưng hệ thống ERP thì không thu phí đối tượng này. Làn đường TP.HCM rất hẹp, là làn đường hỗn hợp, mật độ xe dày đặc, nếu chúng ta thu phí thì sẽ rất khó phát hiện những xe tránh phí. Đóng cổng đường vào quận 1 và 3 thì có thể giải quyết được, nhưng ở những nơi khác vẫn kẹt như thường. Nếu chúng ta vẫn quyết tâm áp dụng phương án này thì nên tổ chức thành một đề án, có nghiên cứu và phản biện cụ thể”.

Thực tế, tình trạng kẹt xe tại khu vực trung tâm cũng không căng thẳng như tại các tuyến quốc lộ, vành đai cửa ngõ vào thành phố. Chính vì thế, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về tính công bằng của phương án này.

Ông Nguyễn Đăng Nghĩa, Đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM cho rằng: “Thu phí đối với xe khi đi vào khu vực trung tâm với mục đích hạn chế xe vào nội thành để tránh kẹt xe nhưng tôi lo ngại là không phù hợp. Vì hiện nayì trang thiết bị của chúng ta không đủ, công tác quản lý chưa đạt? Hiện nay các cửa ngõ thành phố kẹt xe hơn khu vực trung tâm rất nhiều. Để một quyết định mang lại hiệu quả về kinh tế xã hội thì phải cân nhắc và có phản biện xã hội. Nếu chúng ta làm không kỹ thì người dân sẽ không đồng tình”.

Phương án nghiên cứu thu phí xe ô tô khi vào trung tâm thành phố đã được UBND TP.HCM đưa vào kế hoạch giảm ùn tắc giao thông từ nay đến hết quý 1/2010. Liệu thu phí như phương án kể trên có thực sự làm giảm ùn tắc giao thông? Vì thế một phương án tốn  hàng chục triệu USD và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân cần được cân nhắc kỹ  trước khi triển khai./.