Trong khi Lạng Sơn, Bắc Cạn đã có người chết và bị thương thì Hà Giang, Cao Bằng đang phải khẩn trương khắc phục sạt lở đất đá và ngập úng do mưa lũ gây ra.

Trong 2 ngày qua, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có gió và mưa lớn. Các huyện Đình Lập, Lộc Bình, Văn Lãng, Tràng Định và thành phố Lạng Sơn có mưa rất to, với lượng mưa từ 209 mm đến 237mm. Ở Mẫu Sơn lượng mưa lên đến 519 mm.

Do mưa lớn nước trên các sông: Kỳ Cùng, Song Thương, Sông Bắc Giang lên to. Tính đến 13h chiều 20/7, nước lũ trên sông Kỳ Cùng cao hơn báo động III là 0,9m.

lang_son_szzg.jpgNhiều khu dân cư trong thành phố Lạng Sơn cũng bị nước lũ bao vây, cô lập (Ảnh: Thanh niên)

Trong tỉnh đã có 4 người chết trong đó 3 người bị nước cuốn trôi, 1 người chết do sập nhà, trên 6.000 ngôi nhà bị ngập nước, trong đó 200 ngôi nhà bị hư hỏng hoàn toàn, hơn 32 nghìn m3 đất đá bị sạt lở, nhiều tuyến giao thông trên Quốc lộ 4A, 4B, 279 bị hư hỏng, nhiều trụ sở cơ quan bị ngập úng.

Lạng Sơn đã huy động 5.300 người bao gồm các lực lượng công an, quân đội, dân quân, cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung kích để ứng cứu, hỗ trợ nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn nói: “Cơn bão số 2 đã khiến hơn 6.000 dân phải di dời đến nơi an toàn. Hàng vạn khối đất đá bị sạt lở, hàng nghìn ha hoa màu ngập úng, nhiều nhà dân bị ảnh hưởng, bị đổ, trôi và thiệt hại lên đến hàng chục tỉ đồng. Hiện nay Lạng Sơn đã huy động cả hệ thống chính trị khắc phục hậu quả mưa lũ, đảm bảo giảm thiệt hại thấp nhất đối với dân và các các công trình công cộng”.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 nên các khu vực trên địa bàn tỉnh đã Bắc Cạn có mưa vừa, mưa to, một số địa phương xảy ra lốc cục bộ. Mưa lũ xảy ra với cường độ lớn khiến 1 người ở xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn bị chết và 1 người khác ở xã Bình Trung cũng ở huyện này bị thương.

Mưa lũ còn khiến 36 ngôi nhà của người dân ở các huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Bạch Thông, Chợ Mới và thị xã Bắc Cạn bị hư hại do sạt lở đất, ngập lụt và bị tốc mái. Hàng trăm ha lúa và hoa màu bị ngập, hoặc bị vùi lấp.

Các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ ở Bắc Cạn bị sạt lở nghiêm trọng, trong đó Quốc lộ 3B bị sạt lở ta luy dương với khối lượng đất đá khoảng 800 m3, gây tắc đường. 11 trong tổng số 15 tuyến tỉnh lộ ở địa phương này cũng bị sạt lở ta luy dương và ta luy âm với khối lượng đất đá khoảng 17.000 m3.

Sáng 20/7, 3 đoàn công tác của tỉnh Bắc Cạn đã về các địa phương, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai.

Ông Hà Kim Oanh, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Cạn kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Ba Bể cho biết: “Tại Ba Bể hầu hết các tuyến đường tỉnh lộ và huyện lộ đều có hiện tượng sạt trượt. Sáng 20/7, đoàn kiểm tra chúng tôi đi là tỉnh lộ 258B và một số đoạn của tuyến đường Quốc lộ 279 thì cũng đều có sạt trượt. Hiện nay, thứ nhất là khắc phục đảm bảo giao thông đối với các tuyến đường được tạp trung đảm bảo giao thông thống suốt. Thứ 2 là khắc phục hậu quả về nông nghiệp. Theo chúng tôi quan sát tại hiện trường thì mực nước sông Năng dâng cao đến gần báo động 3. Chính vì vậy mà rất nhiều diện tích nông nghiệp bị ngập lụt. Sau khi chờ nước rút thì các đại phương sẽ có thống kê đánh giá rồi có đề xuất hỗ trợ về giống, vật tư nông nghiệp để đảm bảo thời vụ sản xuất”.

Hoàn lưu bão số 2 cũng đã gây mưa lớn tại tỉnh Hà Giang. Tại thành phố Hà Giang, mưa lớn kéo dài suốt từ đêm qua đến trưa 20/7 đã gây ngập úng cục bộ tại các phường: Trần Phú, Minh Khai, Ngọc Đường và xã Phương Độ. Hàng chục nhà dân đã bị ngập.

Nhiều tuyến đường do bị ngập úng, đất đá tràn ra, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân cũng như các phương tiện giao thông. Còn tại huyện Bắc Mê, mưa lớn gây sạt lở đất và ngập úng ở 2 xã.

Bà Nguyễn Thị Định, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang cho biết: “Xã Minh Ngọc có khoảng 15ha lúa mùa bị ngập. Diện tích lúa mùa này hiện nay nước bắt đầu mới đang rút. Vì vậy, chúng tôi đã chỉ đạo nhân dân là nước rút đến đâu thì sẽ có biện pháp hướng dẫn bà con rửa lá lúa phần cấy đang giai đoạn đẻ nhánh. Tuy nhiên, thời điểm này nước mới đang rút, chưa thấy lá lúa thò lên. Còn ở xã Đường Âm có xảy ra sạt đường đoạn dài 25m, với khoảng 300m3 đất đá thì xã đã chỉ đạo dân quân và huy động nhân dân khắc phục điểm sạt lở. Tuyến đường này chắc chiều nay là khắc phục xong”.

Còn tại tỉnh Cao Bằng, 3 ngày qua, tuy lượng mưa xảy ra không lớn nhưng do ngấm nước nên một số đoạn đường ở huyện Bảo Lâm đã bị sạt lở. Còn ở huyện Hạ Lang một số điểm bị ngập úng do nước sông Bằng lên cao.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đang tổ chức lực lượng ứng trực suốt ngày đêm, đề phòng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra, đe dọa cuộc sống của các hộ dân, nhất là những gia đình sống gần các hầm mỏ và hồ chứa nước.

Ông Hoàng Thái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng nói: “Hiện nay, có 2 huyện là Hạ Lang và Trà Lĩnh bị ngập nước – những khu vực do dòng sông Bằng lên. Cao Bằng đang lo ngại là những vùng có độ dốc cao, máng trượt lớn, thì chúng tôi cũng đã cho di dời khoảng 200 hộ - những hộ có nguy cơ di dời sang trụ sở Nhà văn hóa xã, xóm và Ủy ban, cũng đã có phương án trên toàn tỉnh”./.