Với địa hình chia cắt sâu, phức tạp, hệ thống sông suối dày đặc, những năm qua, hệ thống cầu treo dân sinh đã đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và đời sống của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, do là công trình bán vĩnh cửu, nhanh xuống cấp, nên đến mùa mưa lũ, không ít cầu treo trên địa bàn tỉnh lại trở nên nguy hiểm, đe dọa xảy ra tai nạn.

Có chiều dài 110m, chiều rộng 2,5m, bắc qua dòng suối Thia, cầu treo Sơn A là nơi qua lại hàng ngày của hàng trăm hộ dân thuộc các bản Ao Luộng, Bản Khộn, Bản Màu, xã Sơn A, cùng nhiều hộ dân khác thuộc các bản của xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn. Cây cầu được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2009. Qua hơn 5 năm sử dụng, cầu đã xuống cấp, hư hỏng do không có kinh phí tu bổ, sửa chữa thường xuyên.

cau-treo3.jpg
Cầu treo Sơn A - 1 trong 38 cầu cần sữa chữa lớn ở Yên Bái

Đến nay, hệ thống dầm dọc, dầm ngang bằng thép định hình và cáp chủ, dây neo, dây chống lắc của cầu nhiều đoạn đã bị gỉ do không còn lớp sơn bảo vệ. Mặt cầu bằng gỗ nhiều đoạn cũng đã mục nát. Nguy hiểm hơn, do không có kinh phí sửa chữa, người dân địa phương đã sử dụng các vật liệu sẵn có như các mảnh gỗ, tre, luồng để gia cố lại. Do đó, trong những ngày mưa, mặt cầu càng trơn trượt và nguy hiểm.

Chị Hà Khánh Hòa, người dân ở Bản Khộn cho biết: “Hàng ngày tôi đi qua cầu và cảm giác rất sợ. Có hôm có đàn trâu hay xe tuốt lúa đi qua, làm cây cầu rung lắc; thêm vào đó là những đoạn mặt cầu bị mục nát, rất nguy hiểm”.

Cầu treo Khao Mang nối từ quốc lộ 32 đi các bản Séo Dề Hồ A, B, Củ Dỉ Seng, Hầu Nhì Pá, xã Lao Chải, Mù Cang Chải đến nay cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Cây cầu này đã khai thác, sử dụng từ hơn 20 năm nay. Đến nay, toàn bộ hệ thống dầm dọc, dầm ngang, cáp chủ, dây neo, mặt cầu… đều đã xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, cột cổng đã bị nghiêng.

Cây cầu đã được tỉnh đưa vào danh sách cần thay thế, xây mới hoàn toàn. Tuy nhiên, trong điều kiện chưa thể thi công do nguồn vốn, thì không còn cách nào khác, người dân phải mạo hiểm sử dụng hàng ngày như một sự đánh cược tính mạng.

Cầu treo Khao Mang có cột cổng nghiêng 

Ông Thào A Chày, người dân ở bản Séo Dề Hồ A, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải cho biết: “Không chỉ tôi mà người dân cả 4 bản bên kia suối ngày nào cũng phải đi qua cây cầu này. Nó hỏng nhiều chỗ rồi, đi qua rất sợ. Chúng tôi muốn xin Nhà nước đầu tư vốn để xây dựng một cây cầu mới vững chắc, để người dân chở hàng hóa qua con suối được an toàn”.

Theo thống kê, trên địa bàn Yên Bái hiện có 130 chiếc cầu treo. Qua rà soát, cả 130 chiếc đều có các bộ phận như mặt cầu, dầm ngang, dầm dọc… bị hỏng hóc cần thay thế, sửa chữa. Trong số đó có 38 chiếc đã hư hỏng nặng nề, với mặt cầu mục nát, dầm dọc, dầm ngang, dây treo hư hỏng hoặc bị đứt; hệ thống cáp chủ, cột cổng bị han gỉ, bị nổ… mất an toàn giao thông cần sửa chữa lớn hoặc làm mới thay thế.

Ông Bùi Danh Tú, Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Yên Bái cho biết, nguyên nhân dẫn tới cầu treo bị hư hỏng là do công tác bảo trì, bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức; một số cầu treo đã qua sử dụng 20 đến 30 năm, có cầu trên 40 năm; công tác xã hội hóa quản lý cầu treo đã được thực hiện ở một số huyện nhưng chưa thiết thực và chưa có chiều sâu…

Qua kiểm tra, rà soát, tỉnh đã xây dựng phương án và lộ trình để sửa chữa, xây mới hệ thống cầu treo trên địa bàn, song phải chờ nguồn kinh phí. Để nhân dân đi lại qua các hệ thống cầu treo đảm bảo an toàn, thuận lợi, nhất là trong mùa mưa lũ này, trước mắt, Sở đã yêu cầu các địa phương trong tỉnh xây dựng các biển cảnh cáo cầu yếu, bổ sung biển báo hướng dẫn qua cầu, những nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống phải có hướng dẫn bằng tiếng dân tộc…

Cũng theo ông Tú, để đảm bảo an toàn khi qua cầu, nhất là trong mùa mưa lũ, mỗi người dân cần chú ý quan sát, chấp hành nghiêm túc các quy định của biển báo. Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong sử dụng cầu treo. Có như vậy mới có thể tránh được những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra./.