Ngay sau khi nhận được công điện của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương, sáng nay (2/11), Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh triển khai ngay kế hoạch phòng chống bão số 12 và phát lệnh yêu cầu tất các các đồn biên phòng dọc cửa sông, cửa lạch thông báo cho gần 4.000 tàu thuyền, với trên 14.100 lao động đang hoạt động trên biển biết diễn biến mới nhất của bão số 12. Đồng thời huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.

img_3816.jpg

Thượng tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cho biết: "Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tổ chức thành hai đoàn đi kiểm tra tất cả các cửa sông, cửa lạch. Các tàu thuyền ra vào cửa sông cửa lạch và ngư dân đánh bắt xa bờ xem hiện nay còn bao nhiêu tàu thuyền đang ở ngoài biển. Đồng thời đề phòng bão số 12 vào, chúng tôi đi kiểm tra công tác chuẩn bị của các đồn Biên phòng và toàn bộ số người dân ở trên tuyến biển. Hiện nay, Hải đội 2 thường trực 100% quân số và các tàu của Biên phòng Hà Tĩnh cứu hộ cứu nạn thường trực 24/24, khi có tình huống ngư dân mắc kẹt trên biển thì có thể cấp 8, cấp 9 vẫn có thể ra cứu được bà con. Còn về lương thực thực phẩm hiện nay các đơn vị và Hải đội 2 đã đảm bảo đầy đủ trong 10 ngày đi trên biển".

Còn tại Thanh Hóa, theo dự báo bão số 12 sẽ không ảnh hưởng trực tiếp nhưng hoàn lưu sau bão sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, vùng núi có thể có tố lốc, lũ quét và sạt lở đất, đồng bằng ven biển có gió giật mạnh. Để chủ động phòng tránh, Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị bộ đội đóng ở các huyện ven biển rà soát lại tàu thuyền đang hoạt động trên biển; các đơn vị khu vực miền núi cũng khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống.

Đại tá Bùi Hồng Tài, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi đã thông tin cho hơn 8.000 phương tiện nắm bắt thông tin, diễn biến hướng đi của bão để người dân chủ động phòng tránh. Các đơn vị trực chiến sẵn sàng chi viện, còn chủ yếu vẫn là các đồn biên phòng, trong đó chúng tôi có 6 đồn biển và các đồn tuyến núi. Đối với các đồn biên phòng tuyến núi, sẵn sàng ứng cứu bà con khi có lũ ống, lũ quét xảy ra. Các đồn trên biển sẵn sàng ra khơi cứu nạn. Chúng tôi huy động 4 tàu sẵn sàng ra khơi ứng cứu khi có trường hợp như do sóng to, tàu thuyền có thể chìm ngập hoặc lũ lên…".

Tại Quảng Trị, các địa phương trong tỉnh đang gấp rút lên phương án phòng tránh bão. Tại các xã ven biển, công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, đang được lực lượng biên phòng tuyến biển và chính quyền các địa phương tích cực triển khai.

Tại khu vực neo đậu tàu thuyền của xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, gần 70 tàu thuyền của ngư dân đang gấp rút được đưa vào nơi trú ẩn an toàn.  Ông Nguyễn Văn Điệu cho biết, tàu của ông vừa ra khơi thì nhận được thông tin bão, nên phải trở về đưa thuyền vào bờ để đảm bảo an toàn.

Tính đến chiều 2/11, tỉnh Quảng Trị đã có gần 2.500 tàu thuyền vào bờ tránh trú bão. Hiện, còn 59  phương tiện đang hoạt động trên biển đều đã nhận được thông tin bão số 12, đang trên đường tìm nơi tránh bão.

Thiếu tá Trần Xuân Lạn, Đồn trưởng đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết: Đồn Biên phòng  cửa khẩu cảng Cửa Việt đã gọi tất cả số tàu thuyền đang đánh bắt xa bờ vào  nơi trú ẩn an toàn.

Cũng theo Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt, đến 16h chiều nay, sẽ nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi.

Để đối phó với bão số 12, sáng nay (2/11), Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo lực lượng biên phòng và các địa phương ven biển liên tục thông tin cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết hướng di chuyển của bão, tìm nơi trú tránh an toàn.

Tại cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, trong sáng nay 2/11, có rất nhiều phương tiện đánh bắt ở vùng biển xa chạy vào trú tránh bão. Ngư dân Huỳnh Tấn Được, ở huyện Lý Sơn, thuyền trưởng tàu QNg-96011TS cho biết, mới ra biển đánh bắt được một tuần với sản lượng được hơn chục tấn thì nghe tin bão 12 có gió giật rất mạnh, nên vội vào bờ. Vừa cho tàu cập cảng Sa Kỳ neo trú, các thuyền viên mỗi người một việc, khẩn trương neo buộc cho tàu khỏi va đập, hư hỏng đề phòng  bão đổ bộ gây va đập, hư hỏng.

Tại cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh, hàng trăm phương tiện cũng đã di chuyển vào đây neo đậu. Ngư dân Võ Văn Tuấn ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh cho hay, tàu thuyền khi vào đây đều được Ban Quản lý cảng hướng dẫn, sắp xếp neo đậu an toàn, nên mọi người rất yên tâm.

Thông qua máy Icom, đến chiều nay, Trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ đã kêu gọi, hướng dẫn cho gần 1000 phương tiện với hơn 4000 ngư dân vào neo trú tránh bão.

Thượng úy Trần Đình Ngọc, Trạm Trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đơn vị vẫn  tiếp tục thông báo, vận động ngư dân không ra khơi vào thời điểm này: “Chúng tôi kêu gọi số phương tiện đang hoạt động tại vùng biển Quảng Ngãi và số phương tiện đang neo đậu ở bãi ngang để vào trong bến neo đậu; đồng thời tổ chức phối hợp với lực lượng Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy  sắp xếp các phương tiện đang neo đậu tại bến và yêu cầu các chủ phương tiện, khi bão đến không có người ở trên tàu để bảo đảm an toàn tính mạng cho bà con ngư dân”.

Theo Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, tính đến sáng nay, tỉnh Quảng Ngãi còn hơn 1.200 phương tiện với trên 10.000 lao động đang đánh bắt trên biển. Trong đó, tại  ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa còn hơn 210 phương tiện với khoảng 3.800 lao động. Hiện, tất cả đã nhận được thông tin về diễn biến bão số 12. Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các phương tiện này khẩn trương quay vào bờ hoặc di chuyển xuống phía Nam để tránh trú bão. Đồng thời chỉ đạo các đồn Biên phòng phối hợp với các máy ICOM cộng đồng thông báo diễn biến bão, duy trì thông tin liên lạc với các chủ  tàu, thuyền trên biển và chủ động phòng tránh, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn./.