Chiều 17/7, Bộ Y tế có Công điện gửi tới các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc, miền Trung về việc chủ động triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 2. Nội dung Công điện nêu rõ: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Rammasun; chủ động phối hợp với các ban ngành có liên quan trong công tác ứng phó với diễn biến bất thường của mưa, bão; triển khai các phương án chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó, phát huy phương châm 4 tại chỗ, ứng phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại sức khỏe, tính mạng về người và tài sản do mưa, bão gây ra.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi và các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên: Huy động toàn bộ lực lượng y tế của địa phương phối hợp với lực lượng quân y trên địa bàn chủ động đối phó với bão Rammasun ; sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão… tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa, bão, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét gây ra. Các đội cấp cứu cơ động trực 24/24h luôn trong trạng thái sẵn sàng cơ động ứng cứu khi có lệnh. Chuẩn bị nhóm nhân viên y tế hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân bị ảnh hưởng sau bão.
Các địa phương khẩn trương triển khai ngay các phương án bảo vệ, hỗ trợ hoặc di dời cơ sở y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, lũ ống gây ra. Triển khai kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng, vùng có nguy cơ bị ngập úng. Phối hợp với các Sở, ban ngành tại địa phương chủ động đối phó với tình huống bị mưa lũ chia cắt dài ngày, hướng dẫn nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, phương pháp xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, thực hiện nếp sống vệ sinh phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh phát sinh sau bão. Khi có lệnh của cấp có thẩm quyền phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tổ chức di dời, sơ tán dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm, khu vực chưa tổ chức di dời được phải sẵn sàng có hình thức phòng tránh an toàn cho người và tài sản.
Cục Quản lý khám chữa bệnh có văn bản và tăng cường chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tại các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão tổ chức trực ban 24/24h, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng của mưa, bão.
Chỉ đạo các Bệnh viện trực thuộc Bộ tổ chức các đội cấp cứu ứng trực, sẵn sàng cơ động chi viện khi có lệnh; trực tiếp đi kiểm tra tại một số điểm nhằm nâng cao tính sẵn sàng của các đơn vị.
Cục Y tế Dự phòng chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh trong vùng bị ảnh hưởng của bão tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, vệ sinh phòng chống dịch tạc các địa phương. Chủ động dự trữ hóa chất, phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch, kịp thời xử lý các ổ dịch bệnh phát sinh; kịp thời hỗ trợ, chi viện các địa phương khi cần thiết.
Chủ trì phối hợp với Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe trung ương tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, thực hiện các khuyến cáo hướng dẫn về công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Cục An toàn Thực phẩm, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Cục Quản lý Dược, Vụ Kế hoạch- Tài chính căn cứ chức năng nhiệm vụ được phân công trong Ban Chỉ huy, chuẩn bị các phương án, kịp thời chỉ đạo các đơn vị theo hệ thống khẩn trương triển khai công tác phòng, chống ứng phó với bão./.
Nội dung Công điện nêu rõ: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức bộ phận trực ban, huy động lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra; Thực hiện nghiêm túc công tác trực ban, huy động các nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ; liên hệ và phối hợp chặt chẽ với ban phòng chống lụt bão địa phương sẵn sàng phối hợp để ứng phó với các tình huống thiên tai; Theo sát diễn biến của mưa, bão, đặc biệt để phòng chống lũ quét và sạt lở đất để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Các địa phương cần kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất của đơn vị để có biện pháp phòng tránh hiệu quả, đặc biệt là các công trình đang thi công dở dang, các công trình trọng yếu, các công trình có độ an toàn thấp, các công trình vừa bị hư hỏng, thiệt hại do thiên tai gây ra; Chú trọng đến các phòng thí nghiệm, phòng máy vi tính, thư viện, phòng học bộ môn, các xưởng thực hành; có biện pháp sơ tán ngay các trang thiết bị dạy học, các kho sách đến những nơi an toàn, tránh ngập nước.
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị tốt công tác phòng chống mưa lũ, bão, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở núi, lên phương án chằng, chống các công trình trường, lớp học, dừng các hoạt động hè tại các cơ sở giáo dục trong thời gian mưa bão; Chuẩn bị tốt các phương án ứng phó trước, trong và sau mưa lũ, lụt bão, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để có phương án làm vệ sinh môi trường trường học, chuẩn bị phương án cung ứng đủ thiết bị dạy học và sách giáo khoa cho năm học mới.
Ngoài ra, các địa phương phải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với Hội phụ nữ, Hội khuyến học, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng các đơn vị trong ngành đảm bảo “3 đủ”, tạo điều kiện giúp đỡ học sinh khó khăn, chịu ảnh hưởng do mưa lũ gây ra./.