Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã sẵn sàng 100% lực lượng, phương tiện chủ động tham gia ứng cứu khi bão số 14 đổ bộ vào.
Trên 1.000 cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cùng 6 tàu cao tốc sẵn sàng cơ động phòng chống lụt bão, giúp đỡ nhân dân. Tại các huyện tuyến biển, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã kêu gọi toàn bộ tàu thuyền vào tránh trú bão, đồng thời tổ chức lực lượng giúp ngư dân, chằng néo, sắp xếp, neo đậu tàu thuyền an toàn.
Bộ đội Hà Tĩnh giúp dân phòng ứng phó bão (Ảnh Báo Hà Tĩnh) |
Hiện gần 100 phương tiện với 400 thuyền viên đã vào tránh bão ở Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Cô Tô, Móng Cái (Quảng Ninh), 15 phương tiện với 39 thuyền viên hoạt động ở vùng ven biển Hà Tĩnh đang trên đường vào bờ. Ở miền núi, các đồn trạm biên phòng cũng đã triển khai phương án đối phó với lũ quét khi có mưa lớn diện rộng, phối hợp với chính quyền địa phương đi kiểm tra các hồ đập trên địa bàn có khả năng bị sạt lở, chuẩn bị nhân lực, phương tiện sẵn sàng ứng phó.
Thượng tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay ở Hà Tĩnh bắt đầu mưa to, ở miền núi mưa đã lớn dần. 400 cán bộ, chiến sĩ lên tuyến núi, 400 cán bộ chiến sĩ về tuyến biển cùng với nhân dân chống bão, bảo vệ người và tài sản. Lực lượng vũ trang cùng chính quyền địa phương và các ngành chức năng tổ chức di dời trên 6.000 hộ dân với trên 22.000 người ở huyện Kỳ Anh, Hương Khê, Kỳ Anh, Hương Sơn, Nghi Xuân, Lộc Hà”.
** Đại tá Trần Xuân Hiệp, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng Thái Bình cho biết, đã kêu gọi trên 1.230 tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn, yêu cầu gần 2.100 lao động không được ở lại trên các phương tiện tàu thuyền.
Tuy nhiên, hiện Thái Bình còn 51 tàu thuyền vẫn đang hoạt động trên biển. Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp lực lượng chức năng đưa tàu ra kêu gọi số phương tiện này vào nơi tránh trú bão trước 15h chiều 10/11. Đồng thời, di dời 1.815 lao động ở các khu bãi đầm nuôi trồng thủy sản và khu vực ngập lụt ven biển vào phía trong đê.
Sáng 11/10 ở Thái Bình đã bắt đầu có mưa rải rác. Bộ đội Biên phòng Thái Bình lập Sở chỉ huy và tổ chức 1 trung đội cơ động để sẵn sàng ứng cứu, xử lý các tình huống khẩn cấp.
Đại tá Trần Xuân Hiệp cho biết: “Tỉnh đã có phương án di dời các hộ dân cư trú ở ven biển và khu vực ngập lụt vào trong đê. Các lao động trên các chòi nuôi trồng thủy sản bắt buộc phải di dời trước 15h chiều 10/11. Thái Bình đã có một số âu thuyền để các tàu thuyền vào tránh trú bão. Chúng tôi cũng đã hướng dẫn người dân cách chằng chống phương tiện và đưa toàn bộ các lao động vào bên trong khu trường học, trụ sở UBND xã, không cho người dân ở lại trên tàu thuyền”./.