Trung úy liệt sỹ Nguyễn Công Hợi ra đi trong vụ máy bay trực thăng Mi171 rơi vào khoảng 7h46 sáng 7/7, tại địa phận thôn 11, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Thời điểm xảy ra tai nạn trên máy bay có 21 chiến sỹ, trong đó 18 chiến sỹ hy sinh, 3 chiến sĩ bị thương.

Sáng 11/7, lễ truy điệu 18 chiến sỹ hy sinh trong vụ máy bay rơi ở Hòa Lạc diễn ra trọng thể ở Nhà tang lễ Quốc gia. Đúng 11h trưa cùng ngày, thi thể các anh được đưa đi hỏa táng hoặc đưa về quê nhà yên nghỉ.

Tại nhà bố mẹ trung úy Nguyễn Công Hợi (31 tuổi, ở xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) rất đông người đến chuẩn bị đón thi hài anh về với quê nhà. Cả làng Tân Mỹ và những người dân trong vùng đều nghỉ làm. Chính quyền xã Tam Hợp cũng cử người xuống phối hợp hoàn tất công tác sẵn sàng mọi thứ.

Thể theo nguyện vọng của gia đình, thi hài Trung úy Hợi được đưa thẳng về quê nhà để an táng.

Liệt sĩ Nguyễn Công Hợi là con đầu trong gia đình có 4 anh em. Ông Nguyễn Sỹ Hiền (53 tuổi, bố anh Hợi) và bà Đinh Thị Hoa (49 tuổi, mẹ anh Hợi) vốn quê gốc ở huyện Diễn Châu (Nghệ An). Năm 1963, theo lời kêu gọi của chính quyền, bố mẹ ông Hiền và người dân vùng này kéo nhau lên xã Tam Hợp khai hoang lập nghiệp, xây dựng vùng kinh tế mới.

Ông bà cưới nhau năm 1982, sau một năm thì sinh được Hợi. Dù hoàn cảnh gia đình vất vả nhưng ông bà vẫn cố gắng nuôi các con ăn học nên người. Sau khi kết thúc 12 năm đèn sách, năm 2004, Hợi không chọn con đường tiếp tục học mà xin phép gia đình đi nghĩa vụ quân sự.

Hai năm hoàn thành nghĩa vụ, Nguyễn Công Hợi với những thành tích tốt đã được chuyển sang sỹ quan chuyên nghiệp, tiếp tục ở lại cống hiến cho tổ quốc. Năm 2011, qua nhiều năm phấn đấu, chiến sĩ Hợi được phong hàm thiếu úy. Một năm sau đó, niềm vui tiếp tục đến với gia đình khi sau nhiều năm tìm hiểu, anh Hợi và chị Nguyễn Thị Châm (quê ở Diễn Châu) quyết định nên duyên vợ chồng.

Cưới nhau chưa được một tuần, vợ chồng anh Hợi lại phải chia tay gia đình ra Hà Nội thuê trọ. Vì chưa xin được việc nên chị Châm hiện đang ở nhà bán hàng tạp hóa. Dù nghèo nhưng gia đình anh chị sống với nhau rất hạnh phúc, nhất là từ khi chị sinh cho anh đứa con gái đầu lòng tên là Nguyễn Thị Thanh Vân.

Anh ra đi để lại cho người vợ trẻ và đứa con thơ mới 6 tháng tuổi trong nỗi đau đến tột cùng. Ngày hàng ngàn người tiễn đưa anh về quê để an táng dân làng, anh em bà con lối xóm dường như đã khóc hết nước mắt.

Còn chúng tôi, chỉ biết cầu chúc anh an nghỉ nơi chín suối bình yên, phù hộ cho mẹ con chị Châm ở cõi dương gian được yên bình.

Một số hình ảnh lễ tiễn đưa liệt sỹ Nguyễn Công Hợi:

nch_1_epbd.jpg