Sáng 11/3, ông Đoàn Hữu Gia, Chỉ huy trưởng Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn của Cục Hàng không: Hiện có 5 chiếc máy bay của Việt Nam, Malaysia, Singapore, đang hoạt động tại khu vực nghi máy bay mất tích. Theo kế hoạch bay sáng nay, sẽ có 2 máy bay Việt Nam xuất phát đi làm nhiệm vụ tìm kiếm tại khu vực mở rộng, một chiếc hướng về phía Đông điểm IGARI (tức là điểm được đánh dấu ở vị trí máy bay Malaysia biến mất khỏi màn hình radar); chiếc còn lại đã mở rộng hướng lái về mũi Cà Mau.

“Tới ngày hôm nay, rất nhiều giả thiết về vị trí máy bay rơi đã được đặt ra, chúng tôi đang tính toán để xây dựng phương án tìm kiếm hiệu quả nhất”, ông Gia nói.

p1080528.jpg
Một trong số hai máy bay MI 171 vừa cất cáh tại sân bay Cà Mau, 2 PV VOV - ĐBSCL trên 2 máy bay này

Tuy nhiên, tới 10h sáng, sau khi hội ý, Trung tâm đã quyết định thay đổi hướng bay tìm kiếm. Theo đó, cả hai máy bay sẽ tập trung về hướng cách đảo Phú Quốc 50km về hướng Tây Nam.

Về thông tin của Cơ quan Kiểm soát không lưu Hồng Kông báo phát hiện một số mảnh vỡ lớn trên mặt biển xung quanh cách Vũng Tàu 60km, trong chiều tối qua, tàu của ngư dân đã phối hợp tìm kiếm, đồng thời 5 tàu thủy của Hải Quân, Hàng hải cũng tìm kiếm cả đêm tại khu vực nghi vấn, nhưng chưa phát hiện gì khác thường.

“Với độ cao 10.000m, không máy bay nào có thể nhìn được những vật thể nhỏ, ngay cả những con tàu lớn cũng chỉ "nhỏ như chiếc lá". Bên cạnh đó, máy bay Hồng Kông lúc đó đang làm nhiệm vụ vận chuyển hành khách, không thể có chuyện đi chậm hay hạ độ cao để quan sát. Để bảo đảm an toàn cho hàng trăm hành khách, không máy bay nào được phép làm vậy", chuyên gia đến từ Trung tâm Hiệp đồng điều hành bay (Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam) chia sẻ.

Bay thấp để tìm kiếm

Đại diện Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Hàng không cho biết, hôm nay, Malaysia đã có quyết định bay rà lại các khu vực đã bay tìm kiếm trước đó. Còn Việt Nam sẽ bay tìm kiếm chủ yếu mở rộng ra các khu vực mới, chỉ rà lại khu vực Nam đảo Thổ Chu, còn khu vực Nam Cà Mau sẽ mở rộng sang phía Đông. Lực lượng bay của Việt Nam gồm Không quân, Cảnh sát biển và Tổng công ty khai thác trực thăng Việt Nam sẽ tiếp tục tìm kiếm.

Vị đại diện này cho biết, hoạt động hàng không dân dụng tại khu vực tìm kiếm vẫn duy trì bình thường, vì bay dân dụng trên cao, còn bay tìm kiếm ở mực thấp (sát mặt biển)”.

Theo quy định của quốc tế, khi máy bay mất liên lạc, đầu tiên sẽ là hồ nghi, sau đó tới mất tích, khi tìm thấy mới tuyên bố là tai nạn. Khi chưa tìm ra máy bay vẫn được xem là mất tích; nạn nhân khi nào được xem là tử vong thì tuân theo hệ thống pháp luật dân sự nước sở tại./.