Để ổn định giá vé, tránh cho hành khách mua phải vé đắt hay chịu cảnh nhồi nhét trên xe, thời gian gần đây, các bến xe Hà Nội đều thực hiện chính sách mua vé trước khi vào bến.

Tại bến xe Giáp Bát hay bến xe Mỹ Đình, muốn vào bến đỗ xe, tất cả các hành khách khi đi qua cửa soát vé đều phải xuất trình vé. Tuy nhiên, quy định này đang nảy sinh một số bất cập.

bat%20cap%20chuyen%20mua%20ve%20tau%20xe%20trc%20khi%20vao%20ben%20(3).jpg
Mua vé tàu xe trước khi vào bến đang nảy sinh nhiều bất cập (Ảnh Hà Phương)

Đứng tần ngần ở khu vực bán vé bến xe Giáp Bát mà vẫn chưa lựa chọn được cho mình chuyến xe phù hợp, anh Khánh (Yên Định, Thanh Hóa) cho biết: “Lần trước tôi vào bến mua vé xe đi Nam Định. Đến quầy bán vé thì được chị bán vé bán cho một vé. Tuy nhiên, khi vào bến, xe tôi mua vé đã chật kín người. Nhưng vì đã trót mua vé nên tôi đành chấp nhận chịu cảnh nhồi nhét vì không biết có đổi vé được không”.

Anh Khánh kể, một lần khác, anh mua vé cho cả gia đình, nhưng gặp phải xe chất lượng kém nên xe đi khá xóc, khiến vợ con anh đều bị say xe. Anh chia sẻ: “Vì không được tận mắt nhìn thấy xe mình định đi nên chất lượng rất khó đoán. Chưa kể đến chuyện xe có nhồi nhét khách hay không”.

Theo anh Khánh, nếu được biết trước chất lượng xe, mỗi xe chỉ bán một lượng vé nhất định và tăng cường kiểm soát không cho người không có vé lên xe thì sẽ không còn cảnh nhồi nhét khách.

Vì trót mua vé, nhiều hành khách phải lên xe dù chất lượng không được như ý (Ảnh Hà Phương)

Cũng tương tự như trường hợp của anh Khánh, Nguyễn Thị Dung (sinh viên ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) cho biết: “Lần trước em mua vé để vào bến nhưng khi ra xe thì thấy không ưng ý với chất lượng xe, nhưng mua vé rồi nên cũng đành chấp nhận đi”. Chính vì vậy, dịp lễ 2/9 này, Dung quyết định đi cổng sau bến xe để tránh bàn kiểm soát vé.

Dung cho biết: “Ra bến xe, tìm xe mình ưng ý, còn chỗ thì vẫn hơn việc chỉ căn cứ vào một chiếc vé để đoán chất lượng nhà xe”.

Về quy định mua vé trước khi vào bến, Dung chia sẻ: “Việc mua vé trước khi vào bến là một quy định đúng đắn. Hành khách sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, ban quản lý bến xe cần có những biện pháp để kiểm soát chất lượng nhà xe, không thể để tình trạng như hiện nay được”.

Mua vé, hành khách vẫn phải chịu cảnh nhồi nhét

Dịp lễ Quốc khánh 2/9, mặc dù các bến xe đã có quy định yêu cầu các nhà xe phải ổn định giá vé, đăng ký giá vé, và bán vé đúng với giá đã đăng ký, tuy nhiên các nhà xe vẫn tìm mọi cách để “moi” tiền của hành khách.

Hồng Nhung, một hành khách trên chuyến xe Hà Nội-Nam Định cho biết: “Em mua vé ở quầy vé là 60.000 đồng/vé, tuy nhiên khi xe đã chạy được một đoạn thì nhà xe lại thu thêm của mỗi người 20.000 đồng, nói là do đi ngày lễ. Do xe đã chạy, mọi người cũng không ai muốn phiền phức nên đành đưa thêm khoản phí không rõ ràng này”.

Ông Lý Trường Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch-Đầu tư bến xe Hà Nội khẳng định: “Bến xe khuyến khích hành khách mua vé trước khi vào bến để tránh mua phải vé đắt, cũng như phải chịu cảnh nhồi nhét trên xe. Dần dần hình thành thói quen mua vé trước khi vào bến với người dân. Đối với các đơn vị vận tải, bến xe yêu cầu các nhà xe phải ổn định giá vé, đăng ký giá vé, và bán vé đúng với giá đã đăng ký. Những trường hợp nhà xe tự ý tăng giá vé, sẽ có biện pháp xử lý theo quy định của bến xe”.

Ông Sơn cho biết, những trường hợp hành khách phát hiện nhà xe vi phạm có thể phản ánh tới số điện thoại đường dây nóng của bến (Bến xe Giáp Bát: 0438641467, bến xe Mỹ Đình: 04-37685549, bến xe Gia Lâm: 04-38271529) hoặc gặp trực tiếp quản lý bến để công ty có những biện pháp xử lý nghiêm khắc./