Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: Hồi 19 giờ ngày 10/12, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 115,3 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 250km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102km một giờ), giật cấp 12 - 13. 

imageresize_vnqg.jpgVị trí và hướng đi của bão số 5 (Ảnh: TTDBKTTV)

Dự báo trong 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn có khả năng mạnh lên đến cấp 9, cấp 10; đến 16 giờ ngày 11/12, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 130km về phía Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11, cấp 12, sau đó đi vào đất liền các tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường, các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận có mưa to đến rất to, có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở vùng trũng.

Để chủ động đối phó với bão và mưa, lũ có thể xảy ra, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Nam đến Cà Mau và Kiên Giang; các tỉnh  Lâm Đông, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh và Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Văn Hóa, Thể thao và Du lịch:

1. Nghiêm túc thực hiện Công điện số 34/CĐ-TW ngày 06/12/2014 và số 35/CĐ-TW ngày 08/12/2014 của Ban Chỉ đạo PCLBTW - Ủy ban Quốc gia TKCN. Kiên quyết tìm mọi biện pháp thông báo, hướng dẫn cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để vào bờ gần nhất hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của bão trong 48 giờ tới được xác định là vùng biển từ vĩ tuyến 9 đến vĩ tuyến 16.

2. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương và diễn biến của bão, kiểm soát chặt chẽ để nghiêm cấm tàu thuyền hoạt động trên biển và vùng cửa sông ven biển, đặc biệt là các tàu nhỏ hoạt động ven bờ; tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè khu nuôi trồng thủy, hải sản; kiên quyết không để người trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản.

3. Tổ chức chằng chống nhà cửa, bảo vệ các công trình xây dựng, chặt tỉa cành cây để đảm bảo an toàn trong trường hợp bão đổ bộ; rà soát, kiểm tra dân cư sống tại vùng ven biển, vùng cửa sông, vùng trũng, thấp có nguy cơ ngập, lũ, lũ quét, sạt lở đất và dân sống ở các nhà yếu để chủ động sơ tán, di dời đảm bảo an toàn.

4. Chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát, bố trí lực lượng trực canh gác, kiểm soát tại các khu vực ngầm, tràn, nước chảy, đường bị ngập, bến đò để hướng dẫn, bảo đảm an toàn người, phương tiện trong lũ, bão.

5. Bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn ở các khu vực xung yếu để sẵn sàng xử lý các tình huống.

6. Đối với các hồ chứa nước đều phải bố trí lực lượng thường trực. Với các hồ chứa gần đầy nước cần theo dõi chặt chẽ và sẵn sàng phương án xả lũ đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.

7. Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục tăng cường thông tin về diễn biến của bão, mưa, lũ để người dân biết, chủ động phòng tránh.

8. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương – Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn./.