>> Phú Yên khẩn trương ứng phó bão số 5>> Bình Thuận: Tàu thuyền chủ động vào bờ tránh bão >> 24 giờ tới, bão số 5 có khả năng mạnh thêm
Tại cuộc họp trực tuyến tối nay (10/12) triển khai ứng phó bão số 5 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát yêu cầu: Các địa phương sẵn sàng phương án ứng phó bão, đảm bảo an toàn tính mạng người dân trước, trong và sau bão.
Bão số 5 có tên quốc tế Hagupit đang di chuyển lệch xuống phía Nam và có xu thế mạnh lên, khi vào đất liền sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, vùng thấp trên địa phận các tỉnh Nam Trung bộ gây mưa to đến rất to tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận. Theo báo cáo của các tỉnh gồm: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, các địa phương đã thực hiện lệnh cấm biển và sẵn sàng các phương án ứng phó bão.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo: bão số 5 đã tăng cường độ và di chuyển nhanh hơn so với dự báo của những ngày trước. Khu vực dự báo bão đổ bộ là các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận. Bão khi đổ bộ có thể ở cuối cấp 9 đến đầu cấp 10, tâm bão có thể đổ bộ vào tỉnh Ninh Thuận vào chiều tối và đêm mai (11/12). Tuy nhiên khi bão tiệm cận bờ có thể xảy ra 2 khả năng: Thứ nhất là sẽ đổ bộ vào khu vực phía Nam của Nam Trung bộ sau đó suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới. Thứ hai là không đổ bộ vào bờ mà ở dạng vùng thấp chạy dọc từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Bến Tre.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương không chủ quan trong ứng phó bão. Đảm bảo an toàn tính mạng người dân trước, trong và sau bão. Tiếp tục giữ liên hệ với các tàu, thuyền hướng dẫn cho ngư dân vào nơi trú tránh an toàn. Bố trí sắp xếp tàu, thuyền tại các nơi neo đậu; Sẵn sàng các phương án sơ tán dân những khu vực ven biển, lao động trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản và những nơi có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét sạt lở đất, vùng hạ lưu các hồ chứa phải xả nước khi xảy ra tình huống xấu.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: "Trong bão có thể có những sự thay đổi bất thường vì vậy không chủ quan và phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó cho tình huống xấu nhất. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến bão để hướng dẫn và thông tin thường xuyên cho nhân dân phòng chống cả trên biển và trên bờ, nhất là ở các đảo và du khách du khách nước ngoài. Các địa phương đã thực hiện lệnh cấm biển đề nghị thực hiện nghiêm không để ngư dân ra khơi khi bão đổ bộ đất liền".
Theo Đại tá Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cục cứu hộ - cứu nạn, Bộ Quốc phòng: Bộ đã chỉ đạo Quân khu 4 đến Quân khu 9 và các lực lượng và huy động hơn 37 nghìn cán bộ chiến sĩ, 216 nghìn dân quân, cùng 3 nghìn 726 phương tiện các loại và 10 tàu của lực lượng Hải quân ứng trực sẵn sàng hỗ trợ các địa phương và ứng cứu khi cần thiết.
Tính đến 16 giờ chiều nay, lực lượng biên phòng các tỉnh thành phố tuyến biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang phối hợp với địa phương, gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm gần 42 nghìn phương tiện, với 173 nghìn người biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh./.